- Các trường hợp làm oan đều nghiêm trọng, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Ảnh: Minh Thăng

Báo cáo của UBTVQH về tình hình oan sai và bồi thường thiệt hại do Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày tại phiên họp QH sáng nay cho hay những con số đáng suy ngẫm.

Trong 219.500 vụ án với hơn 338.000 bị can bị khởi tố, điều tra trong 3 năm qua, số vụ làm oan người vô tội có 71 trường hợp. Giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu làm oan người vô tội.

“Các trường hợp làm oan đều nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan. Trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Hiện nhấn mạnh.

Một số vụ án đặc biệt nghiêm khiến dư luận quan tâm có những vụ án đã xảy ra cách đây 7-10 năm, có vụ 16 năm nhưng gần đây mới được phát hiện. Điển hình có các vụ Lê Bá Mai ở Bình Phước, vụ Hồ Duy Hải (Long An), vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng)...

Đối với một số vụ án khác được nhiều cử tri quan tâm như vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng), vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng qua giám sát đã xác định các vụ án này có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang được điều tra lại.

Bức cung, nhục hình gây oan sai

Theo đánh giá của UBTVQH, trong một số trường hợp, bức cung nhục hình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai. Có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, trong đó đã giải quyết 40 đơn. Có 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ công an bị khởi tố về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12 vụ/24 bị can về tội dùng nhục hình.

Một số vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận. Như điều tra viên của công an Sóc Trăng đã dùng nhục hình ép bị can Trần Văn Đở và 6 bị can khác phải khai theo ý chí của mình là đồng phạm trong vụ giết người, cướp tài sản dẫn đến việc khởi tố, bắt giam oan 7 người. Vụ 5 công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) dùng nhục hình dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều, điều tra viên công an Bắc Giang nhục hình nghiêm trọng đối với bị can Nguyễn Thị Nguyệt Nga.

UBTVQH giám sát có nơi điều tra viên còn mớm cung khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can.

“Qua giám sát cho thấy, các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi bắt, tạm giữ hoặc khi lấy lời khai mà đối tượng không nhận tội. Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện”, ông Nguyễn Văn Hiện báo cáo.

Thực trạng bức cung, nhục hình gây oan sai gây bức xúc nhưng theo đánh giá của UBTVQH, việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình còn chậm trong khi việc xử lý đối với cán bộ vi phạm có biểu hiện nương nhẹ.

Một số trường hợp xử lý hình sự kết quả xét xử thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Thậm chí có trường hợp bỏ lọt người phạm tội như vụ 5 công an ở Tuy Hòa, hú Yên; vụ hai cán bộ công an thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông

UBTVQH cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến oan sai khác xuất phát từ bệnh thành tích, tình trạng coi trọng “án tại hồ sơ” chưa coi trọng “án tại phiên toà”. Gần 80% vụ án hình sự hiện nay chưa có luật sư tham gia nên chưa bảo đảm tranh tụng để tránh oan, sai.

Thu Hằng