- Thảo luận các tội phạm kinh tế trong bộ luật Hình sự sửa đổi hôm nay, nhiều ĐB phản biện quan điểm của Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh.

Ông Vinh muốn bỏ 2 tội danh kinh doanh trái phép và cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh yêu cầu giữ tội cố ý làm trái: "Tham nhũng là tội ẩn, trong nhiều trường hợp vì lý do khách quan và chủ quan mà không làm rõ được tính vụ lợi, ta đang sử dụng tội cố ý làm trái này để xử lý".

{keywords}

Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh

Bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng, ông Nguyễn Doãn Khánh nhấn mạnh.

Chia sẻ với ông Khánh nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại lo giữ tội này sẽ dẫn đến "xử ai cũng được", nhất là trong cơ chế "sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng" như hiện nay.

Về quan điểm "cho sống để thu hồi tiền" của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phản đối: Dự thảo cho phép không tử hình người có tội về kinh tế, nếu chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực trong phát hiện, xử lý, điều tra và lập công lớn, tôi đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng.

{keywords}

ĐB Nguyễn Thị Khá

"Hình thức này chỉ áp dụng cho người nhiều tiền, giàu của. Tôi chưa đồng ý với phân tích của Bộ trưởng, nếu không bị phát giác thì họ sẽ ung dung, tự tại sống sang trọng cả đời. Nếu bị phát hiện có tiền nộp cũng mua được mạng sống, làm pháp luật mất công bằng, méo mó. Ngân sách nhà nước rất cần tiền, nhưng không đến mức bất chấp mọi nguy hại", bà Khá nói.

Phạm tội vì tiền thì phải phạt tiền

Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng "tăng cường áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù đối với các nhóm tội phạm vì tiền, dùng tiền làm phương tiện phạm tội thì nên áp dụng hình phạt tiền".

Đối với tội phạm tham nhũng, ông Đương nhấn mạnh: "Râu có dài đến rốn, ông có trốn vẫn phải bắt về quy án và tịch thu tài sản".

{keywords}

ĐB Đỗ Văn Đương

ĐB TP.HCM còn đề nghị hình sự hóa thêm một số tội liên quan đến kinh tế: Ví dụ tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, để ngăn chặn những hành vi như bỏ hoang dự án, làm thất thoát tài sản nhà nước...

Hay tội làm giàu bất hợp pháp, để đấu tranh với những người có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều đôla nhưng không chứng minh được nguồn gốc...

"Tôi cũng đề nghị tội phạm hóa hành vi ăn quỵt, ví dụ vào nhà hàng ăn mất mấy chục triệu đồng không trả, vay nợ hàng trăm tỷ đồng không trả... Nếu bảo lạm dụng tín nhiệm thì lại sợ hình sự hóa quan hệ dân sự cho nên một là oan, hai là lọt. Không thể nói là nguy hiểm, nhiều người tan cửa nát nhà vì đám này", ông Đỗ Văn Đương nói.

ĐB TP.HCM lập luận khi đưa ra các đề xuất trên: "Hình phạt không chỉ trừng trị để hoán cải tội nhân, mà quan trọng nhất là để răn đe người đang có ý định phạm tội. Một chính sách hình sự thể hiện trọng tâm hình phạt quá nhẹ, tựa như mặt nước hiền dịu, sẽ làm nhiều người chết vì nước. Trong điều kiện nước ta hiện nay vẫn cần một chính sách hình sự cứng rắn để giảm bớt tội phạm, xã hội được yên vui. Đó là tư tưởng nhân văn và nhân đạo".

Nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với xã hội

Do đó, ông Đỗ Văn Đương đề nghị cân nhắc kỹ việc bỏ các tội danh có mức án tử hình.

"Tử hình có ý nghĩa răn đe nghiêm khắc, tước đoạt tính mạng làm cho người phạm tội sờn lòng vì sợ chết mà không dám phạm tội. Tư tưởng pháp trị nghiêm khắc đó mới giảm bớt được tội phạm", ông Đương nói.

Nhiều ĐB cũng chưa đồng tình bỏ mức án tử hình với 7 tội danh, cho rằng trong tình hình tội phạm phức tạp hiện nay, các tội như cướp tài sản, phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, vẫn có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Các tội như phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người, tội phạm chiến tranh, cũng vô cùng nguy hiểm, bỏ mức án tử hình sẽ giảm tính răn đe.

Các ĐB cũng chưa hoàn toàn đồng tình các trường hợp được miễn thi hành án tử hình.

Bà Nguyễn Thị Khá muốn người 75 tuổi trở lên mới được miễn, "vì hiện nay tuổi 70 còn rất nhiều người khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm cầm đầu các nhóm tội phạm". ĐB Nguyễn Bá Thuyền thậm chí nói vui "60 mới tuổi dậy thì, 70 chập chững bước đi vào đời".

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) lại nói về người chưa thành niên: Tăng độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, bởi hiện nay người chưa thành niên phạm tội diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng.

Lo ngại tình trạng trẻ hóa tội phạm, nhiều ĐB kiến nghị giữ nguyên độ tuổi hiện hành, không tăng cũng không giảm.

Chia sẻ với ban soạn thảo áp lực giảm án tử hình theo xu hướng thế giới, nhưng các ĐB yêu cầu thận trọng, như ông Nguyễn Bá Thuyền nói thay tâm tư của nhiều ĐB: "Nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với xã hội".

Từ "lợi dụng" rất mơ hồ

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) là ĐB hiếm hoi nói về điều 343 về lợi dụng quyền tự do dân chủ: "Đề nghị ghi rõ là lợi dụng nhằm mục đích xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công dân lúc đó mới bị tội hình sự. Từ 'lợi dụng' là rất mơ hồ, nếu không làm rõ mục đích thì việc trừng trị sẽ rất rộng".

{keywords}

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Điều 343 nên thêm đã bị xử lý hành chính rồi mà vẫn tái phạm thì xử lý hình sự, ông Nghĩa góp ý.

Góp ý chung với dự thảo, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Không chơi chữ, không đánh đố, không lắt léo.

"Luật nên minh thị để người dân đọc hiểu ngay, và chỉ hiểu theo một nghĩa duy nhất. QH là của nhân dân nên khi làm luật phải sòng phẳng, rành mạch, rõ ràng, chính danh với nhân dân", ĐB TP.HCM nói.

Chung Hoàng - Hồng Nhì - Ảnh: Minh Thăng