- Một lần nữa, việc QH lên tiếng như thế nào trước tình hình Biển Đông được đặt ra tại họp báo: Tại sao QH không ra nghị quyết?

Kỳ họp QH kéo dài hơn một tháng đã khép lại chiều nay. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu bế mạc nhận định, bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm trước nhân dân, các ĐB đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời các ĐB đã dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của VN đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc TQ tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của VN.

Một lần nữa, việc QH lên tiếng như thế nào trước tình hình Biển Đông được đặt ra tại họp báo: Tại sao QH không ra nghị quyết?

{keywords}

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo sau phiên bế mạc QH. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc giải trình: Trước tình hình phức tạp đó, QH đã đề nghị Chính phủ báo cáo các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo.

"Vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rõ lập trường của VN, khẳng định cơ sở pháp lý đầy đủ của VN về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tôi tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao. QH tiếp tục theo dõi, sẽ có tuyên bố chính thức khi thấy cần thiết", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Nghiêm khắc về trường hợp bà Thu Nga

Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH nhấn mạnh đến hoạt động nhân sự. Theo đề nghị của UB Thường vụ, QH đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm ĐB đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc đoàn thành phố Hà Nội.

"Quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của QH khi xem xét tư cách ĐB, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để ĐBQH luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân", Chủ tịch QH nói.

Vấn đề này cũng được báo VietNamNet đặt ra với Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, người phát ngôn của QH tại họp báo sau kỳ họp chiều nay.

"Sau khi QH bãi nhiệm ĐB Châu Thị Thu Nga, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị có trả lời báo chí nói rằng bà Thu Nga từ khi làm hồ sơ tự ứng cử đã có biểu hiện không trung thực khi kê khai trình độ học vấn. Như vậy, đáng nhẽ những sai phạm của bà Châu Thị Thu Nga trên tư cách ĐBQH đã có thể được ngăn chặn từ khâu ứng cử. QH làm thế nào để trường hợp như vậy không lặp lại?" - câu hỏi của VietNamNet.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận định vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga là rất đáng tiếc.

"Quá trình bầu cử của khóa trước đã được thực hiện chặt chẽ. Ngay phiên họp thứ nhất với nội dung xác định tư cách ĐB, không nhận được đơn thư tố cáo nào đối với các ĐB được bầu. Mãi vừa rồi, sau hơn hai năm bà Thu Nga tham gia với tư cách ĐBQH, mới có đơn thư tố cáo. Ngay sau đó, QH đã làm việc liên quan đến nội dung này, sau kỳ họp trước đã tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐB của bà Nga để các cơ quan pháp luật xem xét xử lý. Đến kỳ họp này thì đưa ra bãi nhiệm", ông Hạnh Phúc nói.

Chủ nhiệm VPQH thừa nhận đây là việc cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là ta đang chuẩn bị bầu cử QH khóa 14, đặc biệt QH vừa thông qua luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND, làm thật chặt chẽ từ khâu ứng cử để lựa chọn người xứng đáng làm đại biểu nhân dân.

Đến khi chính thức tiếp nhận bàn giao toàn bộ tòa nhà QH mới, QH sẽ thực hiện ý tưởng để người dân vào tham quan, thậm chí dự thính các phiên họp của QH, đặc biệt là học sinh, sinh viên - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Chung Hoàng - Ảnh: Lê Anh Dũng