Nó là biểu tượng rõ ràng nhất của sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc. Con tàu khổng lồ mới nhất, sơn màu xám, với 60.000 tấn sắt thép, đậu ở gần cảng Đại Liên, hầu như đã sẵn sàng hạ thủy.


Quân đội Trung Quốc (PLA) tỏ ra miễn cưỡng khi công bố bất kỳ điều gì về tàu sân bay đầu tiên của họ. Nhưng đây lại là một bí mật khó giữ kín nhất của Trung Quốc, vì nó ở đó dường như để tất cả mọi người chứng kiến, ở vị trí có vẻ bất hợp lý phía sau siêu thị Ikea của Đại Liên.

Ảnh: wartard

Con tàu khổng lồ đã mất nhiều năm để xây dựng, và đó là một dấu hiệu rõ ràng của việc mở rộng quân sự Trung Quốc và khát vọng muốn phô diễn sức mạnh của mình bên ngoài các vùng biên giới hơn bao giờ hết. "Một tàu sân bay là biểu tượng của sức mạnh hải quân”, tướng Hứa Quảng Ngọc của PLA đã nghỉ hưu cho biết. "Trung Quốc nên ít nhất ở ngang tầm với các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an LHQ, những nước có tàu sân bay”.

Ông Hứa giờ đây đang cố vấn cho chương trình hiện đại hóa quân sự của chính phủ Trung Quốc. Hiện có bảy quốc gia đang sở hữu tàu sân bay, trước đây từng là 8 nhưng Anh vừa ngừng chiếc cuối cùng và sẽ phải mất vài năm để xây dựng tàu mới.

"Nó cũng là một biểu tượng của sự răn đe”, ông Hứa nhấn mạnh. “Kiểu như nói thế này: Đừng gây rối với tôi, đừng nghĩ có thể chèn ép tôi. Vì vậy sẽ là bình thường nếu chúng tôi muốn có tàu sân bay, sẽ là khác thường nếu Trung Quốc không có cái nào”.

Nâng cấp

Đại Liên không chỉ là một căn cứ hải quân lớn mà còn là một cảng thương mại chủ chốt. Các bến tàu nằm quanh một vịnh lớn. Ở đây cũng có nhà máy lọc dầu, cầu cảng, xưởng đóng tàu với những tháp cần cẩu lớn – nơi những tàu hàng khổng lồ, tàu chở dầu đang trong quá trình xây dựng.

"Sự phát triển lực lượng vũ trang của chúng tôi có liên quan tới phát triển kinh tế”, ông Hứa nói. "Trong cung cấp năng lượng và thương mại, giờ đây chúng tôi có lợi ích khắp toàn cầu. Có những tuyến đường vận chuyển sống còn ở châu Á, Ấn Độ Dương, châu Phi và hai bờ Thái bình Dương mà chúng tôi cần bảo vệ. Vì thế, quân đội chúng tôi cần đủ mạnh để theo kịp các hoạt động kinh tế và ngoại giao".
PLA đang tập trung vào cả hải quân và không quân trong chương trình hiện đại hóa khi thừa nhận hai lực lượng này còn tương đối yếu. Khi đi vào hoạt động, tàu sân bay sẽ là bước tiến đáng kể của hải quân Trung Quốc.

Dõi theo sát sao mọi động thái trên là Mỹ. Hơn một thế kỷ, kể từ khi Thế chiến II chấm dứt, Hải quân Mỹ hoạt động các hạm đội tàu sân bay không hề gặp thách thức nào ở châu Á và Thái Bình Dương. Mỹ có 11 tàu sân bay.

Mỹ và Trung Quốc đều nhìn nhận các chương trình quân sự của nhau với sự hoài nghi. Rất nhiều người ở PLA tin là Mỹ đang nỗ lực phong tỏa và ngăn chặn sự gia tăng của họ. Còn Mỹ thì nói rằng, những phát triển quân sự của Trung Quốc là không minh bạch, luôn trong vòng bí mật và mục đích thực sự không rõ ràng.

"Đó là vì Trung Quốc có khoảng thời gian rất dài phủ nhận rằng họ đang theo đuổi một tàu sân bay, thậm chí còn cố gắng thuyết phục thế giới để thế giới tin là, họ mua lại tàu sân bay từ Ukraine chỉ để tạo ra một sòng bạn mới ở một trong các cảng của họ”, Rick Fisher, một nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Quốc tế và Chiến lược ở Virginia, Mỹ cho biết. "Không lâu nữa, họ sẽ có máy bay tương đương với các máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động trên tàu sân bay”.

Thay đổi sức mạnh

Theo một số nhà quan sát, Trung Quốc muốn tự xây dựng khoảng bốn tàu sân bay. Ông Fisher, người đã có 20 năm nghiên cứu quân sự Trung Quốc, nói đó là những tham vọng lớn. "Tàu sân bay là một phần nỗ lực thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa ra năm 2004 của Trung Quốc rằng, quân đội Trung Quốc sẽ gia tăng bảo vệ các lợi ích bên ngoài đất nước”, ông nói. "Vào khoảng những năm 2020, Trung Quốc muốn có một quân đội có thể triển khai toàn cầu và sẽ có thể thách thức các lợi ích Mỹ nếu họ cần thách thức”.

Tháng trước, chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng PLA, tướng Trần Bỉnh Đức tới Lầu Năm Góc đã được coi là nỗ lực cải thiện quan hệ quân sự vốn có nhiều căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Các ban nhạc quân đội Mỹ và Trung Quốc đã chơi cùng nhau khi ông Trần ở thăm Mỹ.

Ông đã cố gắng xoa dịu những quan ngại bằng tuyên bố, Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm cách đối chọi với sức mạnh quân sự Mỹ. Ông nói, Trung Quốc tụt hậu so với Mỹ. “Trong chuyến thăm Mỹ lần này, tôi đã thấy sức mạnh quân sự Trung Quốc, tôi cảm thấy kinh ngạc, không chỉ vì chúng tôi không có khả năng thách thức Mỹ, mà còn vì các tàu chiến và máy bay Mỹ, chiến lược của Mỹ, đó là một cản trở thực sự với chúng tôi”.

Quân đội Trung Quốc được tin là tụt hậu sau Mỹ khoảng 20 năm. Nhưng với nỗ lực mở rộng nhanh chóng, Trung Quốc giờ đây đang tập trung vào các vũ khí được thiết kế để làm giảm sức mạnh quân sự Mỹ.

PLA đã đầu tư mạnh vào tàu ngầm. Nhiều người tin rằng họ sắp triển khai tên lửa đạn đạo mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” đầu tiên trên thế giới, PLA cũng đã có máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên và đang nỗ lực xây dựng các máy bay hiện đại sử dụng trên tàu sân bay. Theo giới phân tích, tất cả nỗ lực này có thể nhằm mục tiêu là các căn cứ Mỹ, tàu Mỹ và tàu sân bay Mỹ ở châu Á. Chúng sẽ gây nguy hiểm hơn cho các hạm đội tàu sân bay Mỹ khi hoạt động ở gần vùng biển Trung Quốc.

Trong khả năng xảy ra xung đột, những vũ khí mới của Trung Quốc có thể khiến hoạt động của Mỹ khó khăn hơn. Sở hữu tàu sân bay sau đó có thể khiến Trung Quốc phô diễn sức mạnh hơn nhiều trước đây. Và điều đó khiến nhiều nước khu vực lo lắng, nhất là các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Và Hàn Quốc, Nhật Bản vốn trông đợi vào sự bảo vệ an ninh của Mỹ có thể bắt đầu hoài nghi về việc Mỹ thực sự có thể bảo vệ họ thế nào trong tương lai. Có thể một ngày nào đó, sự đảm bảo an ninh cũng như ảnh hưởng của Mỹ sẽ bị xói mòn trong khu vực.

Sẽ còn nhiều việc phải làm trước khi các tàu sân bay của Trung Quốc trở thành một lực lượng mạnh. Nhưng đậu ở cảng Đại Liên, tàu sân bay là một dấu hiệu rõ ràng của những tham vọng hải quân Trung Quốc cũng như đánh dấu cho sự thay đổi sức mạnh đang diễn ra.

  • Thái An (Theo BBC)