- Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Phạm Anh Tuấn cho biết những thông tin khiếu nại, tố cáo có căn cứ sẽ được đưa ra khi xem xét công tác nhân sự phục vụ ĐH Đảng các cấp.

Ông Phạm Anh Tuấn trao đổi nội dung này với báo chí bên lề hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Nội chính TƯ hôm nay.

{keywords}
Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Phạm Anh Tuấn

- Tại thời điểm chuẩn bị ĐH Đảng các cấp này, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự, đặc biệt về tài sản và các mối quan hệ cá nhân ra sao, và Ban Nội chính TƯ có kế hoạch tiếp nhận, kiểm tra, giải quyết thế nào để góp phần đảm bảo công tác nhân sự cho ĐH Đảng?

Đây là một hiện tượng vẫn thường xảy ra trong việc phản ảnh, tố cáo tiêu cực, tham nhũng trước bất cứ sự kiện chính trị nào.

Ban Nội chính TƯ, UB Kiểm tra TƯ, đặc biệt là Ban Tổ chức TƯ và các cơ quan chức năng của Chính phủ, đặc biệt là các cơ quan chức năng của các ban đảng, đương nhiên có trách nhiệm lắng nghe, tiếp nhận những thông tin đó để giúp cho việc bổ sung nhân sự cấp ủy của nhiệm kỳ mới không để những người tham nhũng, tiêu cực lọt tham gia vào cấp ủy mới.

Đối với Ban Nội chính TƯ, những dịp này cũng nhận được một số đơn tố cáo, phản ánh, thậm chí điện thoại. Ngay trong điện thoại của tôi cũng có nhiều tin nhắn. Có những người mình chưa hề biết tên, biết mặt, nhưng gọi liên tục để thông tin. Về nguyên tắc là tiếp nhận, nhưng không phải mọi thông tin đều xác định sự việc là như thế, mà căn cứ vào nội dung thông tin, thủ tục xác minh làm rõ, Ban Nội chính TƯ sẽ đề nghị hoặc chuyển các cơ quan chức năng, để kiểm tra và thông tin lại kết quả.

Tới đây, các ban đảng, trong đó có Ban Nội chính TƯ sẽ được mời, cùng với Bộ Chính trị, xem xét các văn kiện cũng như công tác nhân sự chuẩn bị cho ĐH Đảng bộ cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Những thông tin như thế, nếu có căn cứ thì sẽ được nêu ra khi Bộ Chính trị xem xét các phương án nhân sự.

- Những thông tin nặc danh có được xem xét không, thưa ông?

Về nguyên tắc luật pháp thì các thông tin, đơn thư nặc danh thì không xem xét. Nhưng trên thực tế, đó là quy định công khai để tránh trường hợp vô tình kích thích, tạo điều kiện cho hiện tượng nặc danh, không khéo thì cũng rối loạn, và có khi cũng oan cho những người bị tố cáo vì động cơ cá nhân và người nặc danh không phải chịu trách nhiệm gì hết.

Mặt khác, ta cũng phải rất bình tĩnh, tỉnh táo rằng cũng có những đơn thư nặc danh là thông tin thực sự, có tác dụng và không phải với động cơ cá nhân. Lúc đó phải bằng sự nhạy cảm để lọc ra, xác định đâu là nặc danh có cơ sở, đâu là nặc danh không có cơ sở hoặc vì động cơ cá nhân, để tiến hành xử lý.

Ta không chạy theo tất cả mà cũng không bác tất cả. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt của cán bộ.

Chung Hoàng