- 54% ý kiến người dân cho rằng có tình trạng cán bộ nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc, trong khi 71,2% cán bộ phủ nhận chuyện này.

Kết quả khảo sát 1.600 cán bộ và người dân tại 5 tỉnh thành và 16 bộ ngành về việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng cho thấy nhiều điểm trái ngược giữa ý kiến người dân và cán bộ. Khảo sát do Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) công bố hôm nay.

Cán bộ lạc quan hơn dân 

Cụ thể, khảo sát về việc thực hiện những quy định cấm đối với người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng ngừa việc lợi dụng để vụ lợi, 70-91% cán bộ nhìn nhận không có tình trạng vi phạm những điều cấm này, tuy nhiên quá nửa người dân nói ngược lại.

{keywords}
Kết quả công chức trả lời về việc thực hiện những quy định cấm đối với người có chức vụ, quyền hạn 

Cụ thể, phần lớn công chức cho rằng không có việc cán bộ mượn tài sản hoặc tạm ứng tiền của cơ quan không trả lại. 87,7% cán bộ cũng nói không có việc lấy danh nghĩa mua sắm tài sản cho cơ quan nhưng thực chất phục vụ cá nhân.

Cũng rất ít công chức nhìn nhận có tình trạng nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa cũng như việc bố trí, đề bạt người không đủ điều kiện để vụ lợi.

Đa số cán bộ phủ nhận tình trạng mời người có chức quyền đi du lịch, ăn uống, vui chơi, khám bệnh để vụ lợi… 

Trong khi đó, hơn 50% ý kiến người dân cho biết họ phải dùng thêm tiền để được làm thủ tục xây dựng nhà, mua bán nhà đất, cho con đi học. Gần ½ người dân được hỏi trả lời phải thêm tiền để được quan tâm khi khám chữa bệnh tại bệnh viện công. 28% địa phương có hiện tượng cán bộ chính quyền dùng tiền, tài sản công làm mục đích riêng.

Đáng chú ý, chuyện cán bộ nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc được người dân phản ánh nhiều nhất với tỉ lệ 54%. 

“Hầu hết các vấn đề liên quan đến tham nhũng đều được cán bộ cảm nhận lạc quan hơn người dân”, ông Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra nhận định.

{keywords}
Ông Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra công bố kết quả khảo sát. Ảnh: T.Hằng

Tài liệu mật ai dám xác minh

Đánh giá việc kê khai tài sản, ông Minh cho biết 81% cán bộ cho rằng tích cực, trong khi tỉ lệ này ở người dân chỉ có 35,6%. Tuy nhiên cả cán bộ và người dân đều cho rằng biện pháp kê khai tài sản, thu nhập chưa có tác dụng phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

“Kết quả này phù hợp với nhận định của nhiều cơ quan nhà nước rằng kê khai hiện nay còn hình thức, ít tác dụng. Theo Thanh tra Chính phủ, trong hơn 1.200 người kê khai tài sản được xác minh chỉ có 4 trường hợp kết luận kê khai không trung thực”, ông Minh nói.

Theo ông Nguyễn Khắc Chanh, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định, vướng mắc trong kê khai tài sản hiện nay chính là quy định bản kê khai là tài liệu mật trong hồ sơ quản lí cán bộ. Vì vậy, người dân không thể biết bản kê khai đó đúng hay sai.

Thêm vào đó là tình trạng kê khai nhiều, xác minh ít. “Luật quy định các cơ quan có thẩm quyền được phép thẩm tra, xác minh bản kê khai nhưng lại quy định đây là tài liệu mật nằm trong hồ sơ cán bộ, ai giao mới được xác minh. Tự dưng chúng tôi vào xác minh đâu có được. Chỉ khi nào có đơn thư lộ ra, có yêu cầu, chúng tôi mới xác minh được”, ông Chanh nêu.

Thu Hằng