- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là của mọi người Việt Nam, dù theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào cũng đều là "khúc ruột trên, khúc ruột dưới".

Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày truyền thống ngành quản lý nhà nước về tôn giáo sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định việc phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo có ý nghĩa thiết thực trong đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo luôn giữ vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều cán bộ tôn giáo bằng sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp, về tôn giáo, về văn hóa, xã hội, bằng tấm lòng nhiệt thành, trong sáng và đức tính khiêm cung đã để lại trong lòng các chức sắc tôn giáo và đồng bào sự quý trọng...

Công tác đối ngoại về tôn giáo được đẩy mạnh, giúp dư luận thế giới hiểu đúng về chính sách và thực tiễn tự do tín ngưỡng, về tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa nước ta với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là của mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.

"Người Việt Nam ta dù theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào cũng đều là "khúc ruột trên, khúc ruột dưới", đều là đồng bào, đều có lòng yêu nước nồng nàn và ý nguyện phấn đấu cho độc lập dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng việc phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo có ý nghĩa thiết thực trong đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống do những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập trong một bộ phận dân cư.

“Giáo lý của các tôn giáo đều hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Các tôn giáo không chỉ mang ý nghĩa chính trị, xã hội mà còn hàm chứa sâu sắc những yếu tố văn hóa, đạo đức”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ làm công tác tôn giáo là rất cao để có thể đi sâu, đồng hành, đồng cảm với từng niềm vui, nỗi khó của đồng bào các tôn giáo; tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật; để các tôn giáo góp phần tích cực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Phó Thủ tướng tin tưởng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Các chức sắc, chức việc, người tu hành, tín đồ các tôn giáo sẽ tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của giáo lý, của văn hóa dân tộc để xã hội ngày càng an lành, cuộc sống ngày càng hạnh phúc và đất nước ngày càng phồn thịnh.

Hồng Nhì