Sau căn cứ tàu sân bay đầu tiên ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, TQ được cho là vừa hoàn thành căn cứ tàu sân bay thứ hai lớn hơn ở Tam Á, đảo Hải Nam, cửa ngõ TQ ra Biển Đông.

Vì sao TQ làm 'tàu sân bay không chìm' ở Biển Đông?

Tờ Kanwa Defense Review ở Canada cho hay, 
căn cứ mới có thể chứa một lúc hai tàu sân bay. TQ tới thời điểm hiện tại mới chỉ có một tàu sân bay mang tên Liêu Ninh. 


Hồi tháng 3, sau nhiều đồn đoán, báo chí nước này đã trích dẫn lời của quan chức hải quân xác nhận TQ đang làm tàu sân bay thứ hai - con tàu nội địa đầu tiên. Kanwa dự đoán tàu mới này chủ yếu đóng tại căn cứ trên đảo Hải Nam.

{keywords}

Ảnh: Straitstimes

Căn cứ mới TQ xây trên đảo Hải Nam được cho là bến tàu sân bay dài nhất thế giới. Việc xây dựng căn cứ bắt đầu từ 2011 và hoàn tất năm 2015 dù tới nay, căn cứ này vẫn tiếp tục được mở rộng.

Căn cứ tàu sân bay mới khá gần với căn cứ tàu ngầm hạt nhân đã có ở Tam Á và như mạng Want China Times (Đài Loan) bình luận: "Nếu hai căn cứ phối hợp cùng nhau, nó sẽ trở thành một căn cứ đa nhiệm lớn nhất của hải quân TQ".

Dù không xác nhận chính thức, Yang Yujun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ hôm 30/7 mô tả căn cứ này chủ yếu bao gồm các cơ sở cầu cảng cho tàu sân bay, sân bay cho máy bay hoạt động trên tàu và cũng là nơi đào tạo huấn luyện. 

Nhật báo Nhân dân TQ cũng hợp thức hóa những đồn đoán khi hôm qua đăng tải các phân tích về căn cứ mới, trong đó phân tích của Mã Diêu tại Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Thượng Hải giải thích vì sao TQ xây dựng căn cứ tàu sân bay trên đảo Hải Nam.

Căn nguyên chiến lược

Ông Mã cho rằng vị trí chiến lược của Hải Nam là điều kiện lý tưởng cho một căn cứ hải quân do rất gần "ba eo biển chiến lược quan trọng - eo biển Mãlacca, Lombok và Sunda". 

Trong trường hợp Nhật và Mỹ phong tỏa chuỗi đảo thứ nhất (từ Okinawa đến Đài Loan), các tàu TQ có thể vẫn tiếp cận được Ấn Độ Dương, nam Thái Bình Dương thông qua Biển Đông. 

Việc đảm bảo sự tiếp cận với Biển Đông sẽ cho phép TQ giữ vững những tuyến vận chuyển dầu nhập khẩu trọng yếu của họ.

Nhà phân tích này cho rằng, một căn cứ ở Hải Nam cũng sẽ giúp TQ tập trung lực lượng hải quân ở một vị trí chiến lược quan trọng, nơi lực lượng Mỹ tương đối mỏng.

Hải Nam là nơi đã có nhiều căn cứ phòng thủ, sẵn sàng bảo vệ cho căn cứ tàu sân bay. Đây là nơi có rất nhiều máy bay chiến đấu J-11B hoạt động, sẵn sàng đối phó với máy bay giám sát P8-A của Mỹ tại Biển Đông.

"Tốc độ phản ứng, mức độ sẵn sàng, kỹ năng phi công và những công nghệ tuyệt vời khiến người ta không thể không chú trọng", ông Mã phân tích và khẳng định, trong trường hợp xung đột, J-11B sẽ được dùng để bảo vệ, che chở cho các tàu sân bay.

Chuyên gia TQ cho rằng, căn cứ Hải Nam "với đặc điểm nước sâu, vành đai rộng" là nơi lý tưởng cho lực lượng hạt nhân TQ. Các tàu ngầm hạt nhân cần được bảo vệ khỏi tác chiến chống ngầm; và đặc điểm của Hải Nam tạo điều kiện dễ dàng để một căn cứ tàu sân bay gần đó tăng cường khả năng trong tác chiến kiểu này.

Song ông Mã không hề đề cập tới tranh chấp ở Biển Đông cũng như khả năng tàu sân bay được điều động để củng cố yêu sách chủ quyền. Thay vào đó tập trung phân tích việc đảm bảo những hải lộ thương mại TQ và ngăn chặn chống ngầm, tác chiến trên không chống lại nước này.

Thái An (theo Diplomat)