- Là ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng hai khóa (9, 10), 45 năm tuổi Đảng, nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội truyền thông số VN có những kỳ vọng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 12.

Thành quả mở đường

Nói về thành tựu, tồn tại và hướng đi tới của công cuộc đổi mới 30 năm qua của Đảng, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh đến 5 thành tựu tiêu biểu.

Đây là thành quả cao nhất mở đường, tạo thế cho tất cả các mối quan hệ khác đó là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế mà nổi bật là thiết lập quan hệ hợp tác với tất cả các Đảng cầm quyền trên thế giới. 

Thiết lập ngoại giao với 185 nước trên 195 nước thành viên LHQ. Thiết lập đối tác chiến lược 13 nước và quan hệ toàn diện 11 nước (trong đó 5 nước trong hội đồng bảo an LHQ).

Thứ hai là chấp nhận đa thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững cho đất nước. Rõ nhất là kinh tế doanh nghiệp, kinh tế hộ và kinh tế tư nhân.

Thứ ba là thu hút đầu tư từ hơn 100 quốc gia thiện chí, tiên tiến trên thế giới. Theo phương châm “thêm bạn - hết thù”.

{keywords}
30 năm đổi mới đã tạo thế phát triển nhanh và bền vững trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tạo thế phát triển nhanh và bền vững trên nhiều lĩnh vực như: phát triển hạ tầng (rõ nhất là giao thông, thủy lợi, điện, thông tin, cảng, sân bay) tốc độ đô thị hóa gắn với các khu công nghiệp tập trung. Nhiều lĩnh vực phát triển ngang tầm quốc tế như: viễn thông, hàng không, công nghiệp công nghệ thông tin…

Thứ tư là hội nhập quốc tế đa chiều và ngày càng sâu rộng từ văn hóa, thể thao, thông tin, khoa học công nghệ, kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng.

Và thứ năm là vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, tôn vinh trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra 3 điểm hạn chế tồn tại.

Đó là đổi mới kinh tế khá, đổi mới thể chế, cơ chế chậm trễ, cản trở sự phát triển; rõ nhất là xây dựng quy hoạch và hoàn thiện cơ chế để quản lý 3 lĩnh vực còn nhiều tồn tại là: quản lý DNNN; quản lý nhà và đất; quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Chưa mạnh dạn đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ chủ trì các cấp theo hướng: tranh cử, thi cử để chọn cán bộ có đủ đức tài phục vụ sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu khơi trong, hút ngoài, phát triển đất nước nhanh hơn.

Chưa dũng cảm đổi mới tư duy để tự so với thế giới xem mình đang ở đâu. Và mình phải làm gì để không thua anh em, kém bạn bè trong thời đại toàn cầu hóa, nên dễ “tự sướng”, “ru ngủ” và tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đảng lãnh đạo tranh cử

Gửi tới Đại hội Đảng 12 những mong muốn, kỳ vọng, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng cần đẩy mạnh đổi mới đất nước gắn với hội nhập quốc tế. 

Vừa tập trung kinh tế, vừa coi trọng thể chế, vừa khơi trong, vừa hút ngoài, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo đảm môi trường sinh thái.

{keywords}
Kỳ vọng đột phá ở Đại hội Đảng lần thứ 12. Ảnh:Lê Anh Dũng

Về chính trị, ông nêu 5 điểm cơ bản. Đó là chuyển dần để chuyển hẳn cơ chế chọn cán bộ từ Đảng cử sang cơ chế Đảng lãnh đạo tranh cử, thi cử, cung cấp đủ thông tin về cán bộ cho nhân dân bầu cử, để chọn đúng nhân tài phụng sự đất nước, nhân dân.

Đổi mới cơ cấu, tiêu chuẩn chọn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đủ đức tài để giám sát tối cao và thường xuyên các cơ quan hành pháp cùng cấp.

Mở rộng dân chủ đại trà và đại diện để thực thi quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế và chính trị, trong đó rất coi trọng tri thức và báo chí.

Lĩnh vực nào cũng tự so mình với thế giới để nhận thức và hành động. Nhờ đó mà có thể đi tắt đón đầu bứt phá nhanh hơn, tiến kịp và vượt thời đại, từng bước vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Đề cao vai trò giám sát phản biện của nhân dân, giúp nhà nước luôn có đủ thông tin để làm đúng, sửa sai nhanh và nghiêm túc; nhân dân tin yêu để hợp lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đưa Việt Nam sớm thành một nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.

Về kinh tế, ông cho rằng, cần đổi mới toàn diện cơ chế quản lý DNNN. Tập trung 2 khâu đột phá, đó là cổ phần hóa và chuyển đổi, thu hẹp dần chức năng chủ quản, tăng thẩm quyền cho doanh nghiệp trong tự chủ sản xuất kinh doanh.

Tập trung tháo gỡ chính sách cho kinh tế doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình phát triển hết tầm, lút ga. 

Những người làm kinh tế tư nhân nước nhà đang mong chờ một thông điệp rõ ràng từ Đại hội 12 của Đảng, để đặt đúng vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế và tên gọi của họ trong đời sống kinh tế chính trị của nước ta là: “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Cải cách thủ tục hành chính để tất cả vì sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nhà nước chỉ tập trung làm 5 khâu cơ bản nhất là: quy hoạch; chính sách; đào tạo; hạ tầng; kiểm toán, kiểm tra, thanh tra để khen chê thưởng phát chính xác, kịp thời.

Tiếp tục phân cấp quản lý theo nguyên tắc: ai nhận đủ thông tin và chịu trách nhiệm trực tiếp nhất, hãy ưu tiên cho người đó ra quyết định. 

Thông qua phân cấp để thực hiện hàng loạt mục tiêu: giảm sự vụ cho cấp trên; tăng thẩm quyền chủ động và sáng tạo cho cấp dưới; đẩy nhanh tiến độ công việc vì không phải thụ động ngồi chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên; giảm tiêu cực và phiền hà trong thực thi công vụ. 

Xây dựng một đội ngũ công chức trở thành niềm tin cậy và ngưỡng mộ của nhân dân, như công chức của Singapore.

Vẫn còn điều phân tâm

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, điều cốt lõi nhất của một đảng cầm quyền là đường lối. Đó là chủ thuyết, là kim chỉ nam cho thống nhất nhận thức và hành động, nhất là một đảng cách mạng và khoa học như Đảng ta.

"Tôi có cảm nhận dự thảo nghị quyết của Đại hội 12 những nội dung mang tính đột phá chưa nhiều. Ngay nghị quyết Đại hội 11, sau 1 nhiệm kỳ thực hiện vẫn còn nhiều điều phân tâm. Ví dụ phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Đây là mục tiêu xa thực tiễn. Không thể làm công nghiệp hóa bằng mọi giá trong một thế giới phẳng, phải tìm đúng lợi thế của dân tộc để làm công nghiệp hóa thì sẽ thành công" - ông nhấn mạnh.

Theo lẽ đó, với Việt Nam nên tập trung công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và công nghệ thông tin. 

Một vấn đề ông lưu tâm là đạo đức xã hội.

"Đạo đức xã hội của chúng ta đang xuống cấp nghiêm trọng, không ai chỉ rõ nguyên nhân, địa danh, địa chỉ để khắc phục có hiệu quả. 

Theo tôi hiểu, đạo đức xã hội luôn lệ thuộc đạo đức Đảng cầm quyền, phải chăng một trong những nguyên nhân làm đạo đức xã hội xuống cấp do đạo đức cán bộ đảng viên của Đảng đang xuống cấp? 

Vì thế cách tốt nhất để nâng cao đạo đức xã hội là phải nâng cao đạo đức cán bộ đảng viên, đạo đức người đứng đầu từ mọi chức danh quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước".

Lê Doãn Hợp 

Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam