- Ông Nguyễn Đình Quyền muốn phân tích nguyên nhân thiết chế dân chủ đại diện của HĐND còn khá lu mờ, liệu do cơ chế, tổ chức thực hiện hay do công tác bố trí nhân sự của Đảng?

Câu hỏi của Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu tại phiên họp của UB Thường vụ QH sáng 15/9 về báo cáo giám sát của UB Thường vụ QH về hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố.

Ban Công tác đại biểu QH, cơ quan chủ trì cuộc giám sát đưa ra những nhận định bên cạnh hiệu quả là những hạn chế như chưa  cơ chế thông tin giữa HĐND với cử tri, khiến một số đại biểu HĐND chưa kịp thời tiếp cận vấn đề bức xúc.

Theo dõi, xử lý và đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có lúc, có nơi chưa thường xuyên.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND còn hình thức, ít có sự tham gia của người dân...

{keywords}
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền

Phó Chủ nhiện UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền đánh giá từ thực tiễn cho thấy vai trò thiết chế dân chủ đại diện của HĐND còn khá lu mờ, thể hiện rõ nhất là quan hệ giữa cử tri và đại biểu HĐND. 

Các ĐBQH đi tiếp xúc cử tri đều nghe đi nghe lại những kiến nghị mà cử tri đã nêu nhiều lần với HĐND nhưng chưa được giải quyết khiến cử tri bức xúc.

"Nguyên nhân do đâu, là cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện hay do công tác bố trí nhân sự của Đảng, báo cáo phải phân tích được", ông nói.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH cũng thẳng thắn nêu hạn chế trong giám sát của HĐND là chưa làm rõ được trách nhiệm của các đối tượng bị giám sát, chưa chỉ ra địa chỉ cụ thể liên đới trách nhiệm.

"Giám sát là việc khó khăn, đòi hỏi chuyên môn, bản lĩnh, kỹ năng. Nhưng công tác giám sát của HĐND hiện còn tính hình thức cao. 

ĐB có cương quyết, bản lĩnh hay không, có nói hay không nói cũng không ảnh hưởng đến quan hệ với cử tri, cử tri cũng không đánh giá được. Do đó giám sát thế nào đều phụ thuộc vào ý thức chủ quan của ĐB", ông nêu ý kiến.

Nâng lên hay hạ xuống?

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển thì muốn biết 5 năm qua, chất lượng hoạt động của HĐND "nâng lên hay hạ xuống?"

"Nếu ý chí chính trị của ta muốn tạo điều kiện cho HĐND hoạt động tốt, phát huy vai trò quyết định đối với địa phương, bố trí nhân sự có năng lực... thì HĐND sẽ hiệu quả hơn. Nếu cứ như hiện nay thì sẽ vẫn như thế thôi", ông Hiển nói.

Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước lại đặt câu hỏi về vai trò của HĐND trong việc phát huy nội lực của địa phương để nhân dân tự thân vận động vươn lên, nhất là những nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số.

"Ở nhiều địa phương vẫn còn những huyện, xã không muốn thoát nghèo. Có tỉnh thu ngân sách cao nhưng chỉ đầu tư cho đồng bằng còn miền núi lại chờ ngân sách trung ương. Khi có dự án nước ngoài thì ỷ lại vốn của Chính phủ, không chịu bỏ ngân sách địa phương ra đối ứng...", ông Phước phản ánh. 

Bầu Tổng thư ký QH

Tại phiên họp sáng cùng ngày, UB Thường vụ QH cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra tháng 10 tới. Kỳ họp này sẽ xem xét, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với đại biểu QH và HĐND các cấp.

Kỳ họp cũng sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, theo luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND mới. 

Một nội dung về nhân sự khác là QH bầu Tổng thư ký QH theo luật Tổ chức QH có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, để kịp có chức danh này phục vụ các phiên họp UB Thường vụ QH và kỳ họp QH trong năm 2016.

Kỳ họp này cũng sẽ dành thời gian thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.

Về công tác lập pháp, kỳ họp thứ 10 dự kiến thông qua 16 dự án luật. Một số dự án luật mới đáng chú ý sẽ được trình để QH cho ý kiến như luật về Hội, luật Báo chí sửa đổi, luật Tiếp cận thông tin, luật Tín ngưỡng, tôn giáo...

Chung Hoàng