- Chủ tịch nước khẳng định VN sẽ không mở cửa Cam Ranh cho nước ngoài trong hợp tác quốc phòng. Nhưng điều đó không có nghĩa VN đóng cửa vịnh Cam Ranh.
Đầu giờ chiều 28/9 (giờ Mỹ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu và trao đổi kéo dài 1 giờ với các học giả, trí thức quốc tế tại Hội Châu Á (Asia Society) ở New York, Mỹ. Người giới thiệu Chủ tịch nước lên phát biểu là cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách của Asia Society.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước lưu ý mối quan tâm sâu sắc của khu vực châu Á - TBD trước vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là "những toan tính nhằm đơn phương thay đổi luật lệ, thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển có tranh chấp nhằm xác lập sự kiểm soát các vùng biển này và các tuyến đường biển quốc tế huyết mạch đi qua, bất chấp luật pháp quốc tế".
"Việc này đã trở thành nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, đặt ra những yêu cầu mới đối với quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững", Chủ tịch nước nhấn mạnh. "Tình hình đó đòi hỏi sự quan tâm, trách nhiệm chung và sự hợp tác của tất cả các nước, trong đó có VN và Mỹ, nhằm mục tiêu chung là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới".
Chủ tịch nước khẳng định trong quan hệ đối tác toàn diện giữa VN và Mỹ, hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ môi trường biển và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực...
Chủ tịch nước nhấn mạnh hai nước đang có những cơ hội to lớn để cùng nhau đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á- TBD.
"Một khi Mỹ quan tâm và cam kết mạnh mẽ hơn với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, cùng với việc tăng cường sự hiện diện, quan hệ và hợp tác của Mỹ với khu vực dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, chắc chắn sẽ được nhiều nước hoan nghênh và hưởng ứng".
Chủ tịch nước kêu gọi Mỹ cùng ASEAN xây dựng các thể chế khu vực mà ASEAN là trung tâm, thúc đẩy việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là UNCLOS 1982 trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển, củng cố hiệu quả của DOC và tiến tới COC.
Ủng hộ tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông
Biển Đông là vấn đề cử tọa đặt câu hỏi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Phó chủ tịch điều hành của Asia Society Tom Nagorski băn khoăn làm thế nào VN giải quyết vấn đề khó trong quan hệ với TQ: một mặt là giao thương kinh tế lớn, mặt kia là những bất đồng trên biển.
Chủ tịch nước đồng tình giữa VN và TQ có kim ngạch thương mại và đầu tư song phương rất lớn, TQ đang là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của VN. TQ cũng đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với VN, và một số nước ASEAN khác.
"Cả thế giới đều biết việc này. Tất cả đều mong giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, VN cũng vậy. VN đã rất chủ động trong đối thoại với TQ. Và trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài mà cả hai bên cùng đồng ý, chúng tôi cần kiểm soát và xử lý các tranh chấp", Chủ tịch nước nói.
Nhấn mạnh lại 6 nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thỏa thuận, Chủ tịch nước lưu ý: "Đáng tiếc là trên thực tế ở thực địa, việc giải quyết các tranh chấp chưa được như mong muốn của những nguyên tắc đó".
Chủ tịch nước hy vọng với việc LHQ thông qua các mục tiêu phát triển bền vững mới, cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ VN trong việc giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, vì chỉ có một môi trường hòa bình, ổn định mới có thể đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Xem clip Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi về vấn đề Biển Đông:
Ông Tom Nagorski đặt câu hỏi cụ thể về các phát biểu gần đây của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình liên quan đến tình hình Biển Đông, đặc biệt khi ông Tập, sau khi hội đàm với Tổng thống Obama, nói "không có ý định quân sự hóa".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: "Nếu ông Tập Cận Bình nói vậy thì cũng khá phù hợp với tinh thần của các nước ASEAN, các nước có tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia liên quan, vì Biển Đông là nơi chiếm đến một nữa giao thương hàng hải của thế giới. Không chỉ khu vực mà cả thế giới quan tâm đến vùng biển này".
"Do đó, nếu họ tuyên bố là không quân sự hóa Biển Đông, tôi ủng hộ, và nó cũng phù hợp với mong muốn của cộng đồng quốc tế”, Chủ tịch nước nói.
Không mở cửa Cam Ranh cho hợp tác quốc phòng
Một khán giả đặt câu hỏi: "Mỹ đang ngày càng trở thành đối tác mang tính chiến lược của VN trong vấn đề an ninh hàng hải. VN nhìn nhận hướng đi của mối quan hệ này như thế nào, trong 5 năm tới nó sẽ ra sao và liệu hải quân Mỹ có lại hiện diện ở vịnh Cam Ranh?"
Chủ tịch nước trả lời: "Lập trường của các bên liên quan trong vấn đề này đều đã được thể hiện rõ. Tôi không thể nói thay phía Mỹ về mối quan hệ này, nhưng tôi tin rằng, bên cạnh những nỗ lực của các nước có tuyên bố chủ quyền và các nước liên quan, Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục góp phần đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực, thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế".
Liên quan vịnh Cam Ranh, Chủ tịch nước nhấn mạnh không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác đang muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với VN. Chủ trương đối ngoại kiên định của VN vẫn là đa phương hóa, đa dạng hóa.
VN đã nhiều lần nhấn mạnh và làm rõ lập trường này tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế. VN có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với nhiều nước, và đây là việc bình thường, VN muốn tăng cường thêm nữa.
"Về Cam Ranh, tôi đã đi nhiều nước và nhiều người hỏi bao giờ VN mở cửa Cam Ranh cho hợp tác quân sự quốc tế. Tôi khẳng định lại lần nữa, VN sẽ không mở cửa Cam Ranh cho nước ngoài trong hợp tác quốc phòng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đóng cửa vịnh Cam Ranh, chúng tôi vẫn nhận yêu cầu dừng chân của nhiều tàu nước ngoài, trong đó có tàu Mỹ", Chủ tịch nước nói.
Luật pháp quốc tế là chuẩn mực
Một câu hỏi khác nhắc đến bài phỏng vấn gần đầy của tờ Wall Street Journal với ông Tập Cận Bình, trong đó ông Tập bảo vệ việc cải tạo đảo, nói rằng các đảo này thuộc lãnh thổ TQ từ xa xưa, có bằng chứng lịch sử và pháp lý, cũng như cho rằng việc phát triển và duy trì các cơ sở đồn trú trên các đảo và bãi đá là không ảnh hưởng hay nhắm đến nước nào, và không nên bị "nói quá”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đáp: "Chúng tôi gọi các quần đảo này là Hoàng Sa và Trường Sa trong tiếng Việt, và khẳng định các quần đảo này thuộc về VN đã hàng nghìn năm nay, từ thời tổ tiên chúng tôi, có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh. Nhưng tôi nghĩ, trong mọi tranh chấp, chúng ta nên áp dụng luật pháp quốc tế, chứ không thể cứ chấp nhận bất đồng mãi".
"Không bên nào có thể nói đảo này của tôi, đảo kia của anh, mà phải dựa vào luật pháp quốc tế. Các bạn Philippines cũng bảo lo lắng khi VN gặp TQ vì không biết hai bên nói gì. Nhưng chúng ta đều phải tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc của luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp này", Chủ tịch nước nói.
Ông Tom Nagorski đặt câu hỏi liên quan đến việc VN mở rộng quan hệ với nhiều nước: "Liệu có thể nhìn nhận việc thiết lập đối tác chiến lược với Philippines, tiếp nhận tàu và thiết bị từ Nhật và Mỹ, tăng cường quan hệ với Ấn Độ, như là việc xây dựng một 'hàng rào' để đối phó với TQ trong vấn đề Biển Đông không?"
Chủ tịch nước trả lời: "Đây là một câu hỏi lớn về một vấn đề khu vực mà rất nhiều nước quan tâm. Nói về chính sách thì tôi thấy, nước nào ở ASEAN và các bên liên quan đều đưa ra những sáng kiến và kiến nghị nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Đó cũng là mong muốn của VN, và VN hoan nghênh kể cả các nước ngoài khu vực, nếu họ có thể đóng góp cho ổn định và an ninh hàng hải ở khu vực, và mọi việc đều phải tuân theo luật pháp quốc tế".
"Luật pháp quốc tế là nền tảng và giải pháp vững chắc nhất, là chuẩn mực cho mọi hành động", Chủ tịch nước khẳng định.
Chung Hoàng