Mỹ đã thông báo cho các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tiến hành tuần tra gần các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng tại Biển Đông.

Giới phân tích lo ngại động thái trên có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh sau khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vừa thăm Mỹ.

{keywords}
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris Jr bên tấm hình chụp TQ biến bãi Chữ thập thành đảo nhân tạo. Ảnh: AP

Sứ mệnh tuần tra "tự do hàng hải" sẽ được tiến hành tại khu vực 12 hải lý ở ít nhất một trong số các đảo nhân tạo, với mục tiêu thách thức yêu sách chủ quyền mà TQ đưa ra với vùng biển chiến lược.

Quan chức Mỹ nói rằng, TQ đã chiếm giữ các bãi ngầm, biến chúng thành các đảo nhân tạo đủ lớn cho sân bay quân sự, trang thiết bị rađa cũng như nơi đồn trú của quân đội. Luật pháp quốc tế khẳng định, các đảo nhân tạo không có giá trị chủ quyền với giới hạn 12 hải lý.

Trong tháng 5, một máy bay giám sát của hải quân Mỹ đã bay gần 3 trong số 5 đảo nhân tạo TQ xây dựng nhưng không trong phạm vi 12 hải lý. Hải quân TQ đã nhiều lần gửi cảnh báo qua radio yêu cầu Mỹ rời khỏi khu vực.

Hôm qua, các quan chức Philippines cho hay, trong vài ngày qua, họ đã được nói rõ về kế hoạch tuần tra vùng quanh đảo nhân tạo nói trên. Thượng nghị sĩ Antonio F. Trillanes IV, chủ tịch ủy ban an ninh và quốc phòng hoan nghênh quyết định này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Ngoại trưởng John Kerry dự kiến sẽ thảo luận việc tuần tra với những người đồng cấp đến từ Australia trong hôm qua và hôm nay tại Boston.

Nhà Trắng ra quyết định

Theo một quan chức tham dự cuộc họp kín tại Washington, cố vấn cấp cao về vấn đề TQ tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp ở Washington rằng, Nhà Trắng đã quyết định tiến hành các cuộc tuần tra. Ông Kritenbrink không nói cụ thể thời điểm tiến hành.

Chính quyền Obama và các đồng minh của Mỹ ở châu Á đã nhiều lần bàn thảo về việc phản ứng với những hành xử của TQ ở Biển Đông. Một số nước thúc giục Mỹ tiến hành tuần tra, số khác lại lo ngại Bắc Kinh có thể viện cớ để tăng cường mở rộng hoạt động quân sự.

TQ cũng đã phản ứng việc Mỹ có kế hoạch điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo. “Chúng tôi không tha thứ cho bất kỳ nước nào lấy lý do tự do hàng hải, hàng không mà xâm phạm chủ quyền lãnh hải và không phận TQ", Bộ Ngoại giao TQ tuyên bố hôm thứ sáu.

Trong một cuộc họp báo với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình khẳng định, TQ không có ý định quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Nhưng theo các quan chức Mỹ, dụng ý của ông Tập vẫn không rõ ràng, vì ông không hề đề cập chuyện này trong các cuộc gặp riêng với ông Obama.

Dù tại đây, ông Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải. Ông nói: "Mỹ sẽ tiếp tục đi lại, bay và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Phép thử với ông Tập Cận Bình

Quan chức quân sự Mỹ cho rằng, một trong những mục tiêu tuần tra là để kiểm nghiệm tuyên bố mà ông Tập đưa ra.

Luật Biển công nhận chủ quyền với phạm vi 12 hải lý của đảo tự nhiên chứ không phải đảo nhân tạo, biến các bãi ngầm thành đảo nổi.

TQ đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của VN. Trên Bãi Chữ thập, họ đã hoàn thành xây dựng đường băng 3.000m có thể thích ứng với bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của TQ.

Tân Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull trước khi nắm quyền, mô tả việc TQ làm đảo nhân tạo là "phản tác dụng".

Trong khi đó, ở Manila, Thượng nghị sĩ Trillanes nhấn mạnh, cần thúc đẩy việc tuần tra. "Nó khá nguy hiểm, nhưng chúng ta cần biết rõ mức độ phản ứng thế nào từ phía TQ trong việc bảo vệ các đảo họ mới tạo ra", ông nói.

Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario, cho biết, động thái của Mỹ sẽ góp phần duy trì ổn định trong khu vực.

Theo nhà phân tích của Tuần báo quốc phòng IHS Jane, James Hardy, Mỹ có một số chọn lựa trong việc điều tàu tuần tra khu vực quanh đảo nhân tạo tại Biển Đông. Ví dụ, tàu tuần duyên, hay tàu khu trục lớp Arleigh Burke có tàu nhỏ hộ tống, để gửi đi thông điệp cứng rắn.

Thái An (Theo Nytimes)