- Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, vấn đề không phải là 'nếu' mà là 'khi nào' Mỹ đưa tàu hải quân và máy bay đến tuần tra ở Biển Đông, gần các đảo nhân tạo của TQ.

Tờ Foreign Policy (Mỹ) dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng Mỹ đã sẵn sàng đưa tàu hải quân và máy bay đến tuần tra ở Biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ của TQ đối với các đảo nhân tạo do nước này xây dựng.

Động thái hướng tới một lập trường cứng rắn hơn này nối tiếp sau khi cuộc hội đàm giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington hồi tháng trước thất bại để đạt một bước đột phá về cách thức giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Một quyết định cuối cùng chưa được thực hiện. Nhưng chính quyền Obama hiện đang nghiêng nhiều hơn về hướng sử dụng một kiểu trình diễn sức mạnh quân sự sau khi TQ chấm dứt các nỗ lực ngoại giao để ngừng hoạt động cải tạo bồi đắp đất và xây dựng tiền đồn quân sự trên biển.

Các quan chức chính quyền Obama và Lầu Năm Góc cho biết thời điểm và chi tiết của các cuộc tuần tra - mà sẽ được thiết kế để duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế - vẫn đang được nghiên cứu.

{keywords}
Đá Chữ Thập qua tay TQ bồi đắp

“Vấn đề bây giờ không phải là nếu mà là khi nào”, một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết.

Động thái này có khả năng làm gia tăng căng thẳng với TQ. Nhưng các quan chức Mỹ đã kết luận rằng việc không đi thuyền và bay gần đến các tiền đồn nhân tạo sẽ phát một tín hiệu sai lầm rằng Washington mặc nhiên chấp nhận các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Chính quyền Mỹ đang chuẩn bị xác thực điều mà giới quân sự gọi là “các hoạt động tự do hàng hải” được tăng cường, trong đó tàu và máy bay Mỹ đi vào trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một số đảo nhân tạo do TQ xây dựng.

Việc tuần tra mở rộng của hải quân Hoa Kỳ có thể đồng nghĩa với các cuộc đối đầugần nhau hơn giữa tàu và máy bay của Mỹ và TQ, làm tăng nguy cơ về một vụ va chạm tiềm tàng hoặc sự cố nguy hiểm.

Chỉ vài ngày trước chuyến công du tới Washington của ông Tập Cận Bình, một chiếc máy bay chiến đấu TQ đã bay tạt phía trước một máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ ở phía đông bán đảo Sơn Đông tại vùng biển Hoàng Hải. 

Hồi tháng 8 năm 2014, một chiếc máy bay chiến đấu J-11 của TQ đã vượt qua phạm vi 20 feet xoay quanh chiếc máy bay P-8Poseidon của Mỹ và thực hiện một cú biểu diễn nhào lộn mà Lầu Năm Góc đã chỉ trích là liều lĩnh.

Phản đối các yêu sách hàng hải quá mức

Theo Lầu Năm Góc, trong vòng chưa đầy hai năm, TQ đã xây dựng các tiền đồn trên 7 Đá, xây dựng 3 đường băng trên các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, lắp đặt ra đa, thiết bị liên lạc và nạo vét các cảng nước sâu mà có thể tiếp nhận các tàu chiến cỡ lớn.

Các quan chức Mỹ nói rằng các công trình xây dựng dường như nhằm tạo ra một mạng lưới quân sự trên các đảo nhân tạo, điều mà họ lo ngại có thể được sử dụng để ép buộc các nước nhỏ hơn khuất phục trướctham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Trong một kịch bản như vậy, TQ có thể tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)tại khu vực, giống như nước này đã từng làm hai năm trước đây ở biển Hoa Đông - nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp với Nhật Bản về một nhóm đảo không có người ở.

{keywords}

Tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép trong các vùng nước xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp tại Chương trình an ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng “Tất cả các thiết bị và đường băng mà họ đang thiết lậpở quần đảo Trường Sa là hoàn toàn phù hợp với việc tạo ra một ADIZ trên biển Đông”.

Trong vùng ADIZ, Bắc Kinh có thể yêu cầu mọi máy bay đi vào khu vực nàyphải cung cấp lộ trình bay của mình và tuân thủ hướng dẫn của quân đội TQ.

Đô đốc Harry Harris - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết ông ủng hộ việc gửi tàu và máy bay vào trong khu vực 12 hải lý để khẳng định rõ rằng các yêu sách “lãnh hải”của TQ không có sức nặng pháp lý.  

Các cuộc tuần tra kiểu này đã được tiến hành thường xuyên cho đến năm 2012, trước khi Bắc Kinh khởi động cải tạo đất trên biển với quy mô lớn.

Scott Harold, Phó Giám đốc Trung tâm chính sách châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Rand nói: “Tôi nghĩ rằng rõ ràng không có những lựa chọn tốt đủ sức thuyết phụcTQ không phải nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông”.

Harold cho rằng việc đưa tàu và máy bay tiến gần các tiền đồn nhân tạo sẽ nhấn mạnh lập trường của Washington không công nhận các tuyên bố pháp lý của TQ hoặc các phương pháp hung hăng nhằm khẳng định chúng.

“Có mối lo ngại rằng nếu bạn không đứng lên khẳng định các quan điểm của bạn, người TQ sẽ coi đó như là bằng chứng rằng bạn không sẵn sàng để bảo vệ điều bạn đã tuyên bố như là các nguyên tắc của bạn”, ông nói.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các tàu hoặc máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần tất cả các đảo nhân tạo hay chỉ những đảo nhân tạo được xây dựng trên các cấu trúc tự nhiên chìm dưới nước mà không bao giờ được công nhận là đảo. Một số tiền đồn của TQ được xây dựng trên các đá nhô lên khỏi mặt nước và có thể đủ điều kiện để được hưởng quy chế ranh giới 12 hải lý theo luật pháp quốc tế.

Mỹ đã tiến hành các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” trong nhiều thập kỷ trên khắp thế giới, phản đối điều mà họ xem như là các yêu sách hàng hải “quá mức” của các đồng minh cũng như đối thủ.

Thách thức tàu cá

Nhưng các tàu hải quân Mỹ đã phải đối mặt với một thách thức từ các tàu đánh bắt cá thương mại của TQ. Đây là những tàu mà Bắc Kinh đã sử dụng như là một chiến thuật công nghệ thấp nhằm khai thác lỗ hổng trong luật biển.

Các tàu đánh cá đã được sử dụng như là một loại cọc rào, đóng cọc ngoài biển xahàng trăm dặm, cung cấp cho hải quân TQ có thêm tai mắt ở các vùng biển tranh chấp xa đất liền.

Các tàu đánh cá đã đóng vai trò chính trong một số sự cố những năm gần đây. Năm 2012, hàng chục chiếc tàu dân sự tham gia vào tình huống tranh cãi bế tắc trên bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, vốn bị tranh chấp giữa TQ, Philippines và Đài Loan. 

Năm 2009, một nhóm các tàu đánh cá TQ quấy nhiễu tàu do thám USNS Impeccable của Mỹ trong nhiều ngày ở cùng khu vực.

Phục vụ hiệu quả như là lực lượng dân quân biển, các tàu đánh cá có mối quan hệ gắn bó với chính quyền địa phương cũng như quân đội TQ và có thể được huy động, triển khai một cách nhanh chóng để theo dõi và sách nhiễu các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển quốc tế.

Phó giáo sư Andrew Ericksontại của trường cao đẳng chiến tranh hải quân Mỹ nói rằng một trong những thách thức chính xuất phát từ cách tàu quân sự đối phó với các tàu thuyền đánh cá do dân thường điều khiển nhưng có thể tiến hành hoạt động nhân danh quân đội TQ.

Một bài báo do hai nhà nghiên cứu tại trường này công bố gần đây đã lập luận rằng việc sử dụng những chiếc thuyền đánh cá “giúp khai thác một ranh giới trong luật hải chiến, điều mà giúp bảo vệ tàu đánh cá ven biển khỏi việc bịbắt hoặc tấn công trừ khi chúng được hợp nhất vào lực lượng hải quân của đối phương”.

Bài báo nêu rõ rằng lực lượng dân quân biển cung cấp cho hải quân TQ “một lực lượng không tốn kém, giúp gia tăng các thách thức hoạt động, pháp lý và chính trị cho bất kỳ đối thủ nào”.

Hà Phúc