- ĐB Quảng Bình lưu ý thực trạng thất thoát, hối lộ có thể xảy ra ngay ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như cảnh báo về tham nhũng chính sách.

Chiều 28/10, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án và VKS về công tác phòng chống tội phạm, trong đó có phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh tham nhũng  vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát lớn, bức xúc xã hội, mất ổn định xã hội...

{keywords}
ĐB Nguyễn Ngọc Phương

Ông Nguyễn Ngọc Phương cho rằng tham nhũng đã đến mức cả những người dân bình thường, chỉ cần có chút chức trách, dù trông xe, gác đền, làm văn phòng là lợi dụng. 

"Tệ nhất là tham nhũng cả chế độ chính sách cho thương binh, liệt sĩ, chính sách cho cả người sống và người chết", ông phản ánh.

ĐB Quảng Bình lưu ý thực trạng thất thoát, hối lộ có thể xảy ra ngay ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như cảnh báo về tham nhũng chính sách.

"Từ những công chức thấp nhất cũng sách nhiễu, trì hoãn, tạo ra một loại lệ phí không thành văn gọi là 'làm luật, bôi trơn'. Tham nhũng lớn thì ở những hợp đồng dự án, phân phối ngân sách, bổ nhiệm chức danh, đấu thầu...", ông nói.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) không đồng tình báo cáo Chính phủ cho hay kết quả điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng năm 2015 đều giảm.

"Có những loại tội phạm giảm thì là thành tích của các cơ quan tư pháp, cần biểu dương, nhưng tham nhũng mà giảm thì là khuyết điểm của các cơ quan này, khiến người dân mất niềm tin vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng", ông Học nói.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thái Học

Theo ĐB Phú Yên, Chính phủ đưa số liệu của các tổ chức quốc tế cho thấy mức độ công khai, minh bạch tăng lên, là không thuyết phục.

ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) dẫn nhận định của cử tri, nhân dân "chưa công nhận phòng chống tham nhũng có tiến triển".

Bao giờ mới phản công?

ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) cho hay mỗi lần tiếp xúc cử tri, các ĐBQH luôn phải trả lời câu hỏi về chống tham nhũng. Việc báo cáo của Chính phủ đánh giá tham nhũng "vẫn phức tạp" khiến nhân dân sẽ lo lắng hơn.

"Tôi định trả lời là theo ngạn ngữ Mông Cổ, bạn trụ vững được là bạn đang tiến lên. Thời gian qua ta trụ vững được với tham nhũng, có những lúc cầm cự và phòng ngự, thế là tốt lắm rồi. 

Nhưng cử tri sẽ hỏi tiếp bao giờ ta phản công? Theo tôi, nếu Chính phủ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện luật PCTN để năm 2017 đem ra sửa hoặc xây dựng luật mới, thì năm 2018 ta sẽ bắt đầu phản công", ông Nhã nói.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền muốn đánh giá kỹ hơn về năng lực của các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng.

{keywords}
ĐB Nguyễn Đình Quyền

Theo ông, các cơ quan này được đầu tư để kiện toàn tổ chức, tăng cường trang thiết bị, nhưng kết quả phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nhận định các biện pháp kê khai tài sản, tuyên truyền phổ biến pháp luật, trả lương qua tài khoản... tác dụng thấp, ông Quyền kiến nghị có luật về về kiểm soát tài sản thu nhập, nhất là của cán bộ công chức.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị QH ra nghị quyết quy định đối với tội phạm tham nhũng, tài sản thu hồi là căn cứ để tòa xem xét xử phạt, tỷ lệ tài sản thu hồi càng ít thì càng xử phạt mức án cao.

{keywords}
ĐB Huỳnh Nghĩa

"Đồng thời quy định tội phạm tham nhũng chỉ được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% thiệt hại về tài sản đã gây ra cho nhà nước", ông Nghĩa kiến nghị.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị nên thay Ban chỉ đạo PCTN bằng Ủy ban điều tra chống tham nhũng, với ý nghĩa là "thay" vì nghe báo cáo thì trao quyền để cơ quan này đi bắt tội phạm tham nhũng.

Chung Hoàng - Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng

Đẩy nhanh điều tra trọng án tham nhũng
Loại kẻ tham nhũng khỏi bộ máy lãnh đạo
Trọng án tham nhũng xử trước Đại hội: Ai phải hầu tòa?
6 tháng, 18 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Chủ tịch nước: Không có vùng cấm chống tham nhũng
Tham nhũng đã xảy ra trong hoạt động tư pháp
Tham nhũng không cần bắn, chỉ cần 'nhốt vào lồng' cho khổ sở
Lập Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm luật Phòng chống tham nhũng