Quân đội Myanmar dù thất bại trong bầu cử nhưng vẫn giữ lại các vị trí bộ trưởng chủ chốt gồm quốc phòng, công an và biên giới. Và theo Hiến pháp, quân đội có thể trực tiếp kiểm soát toàn bộ chính phủ, kể cả quản lý kinh tế nếu cần thiết.

Năm 1990, bà Aung San Suu Kyi từng chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử nhưng tướng lĩnh quân đội cầm quyền ở Myanmar đã bác bỏ kết quả. Hậu bầu cử, bà bị quản thúc tại gia và rất nhiều người ủng hộ bà bị bỏ tù.

25 năm sau, “Amay Suu” (Mẹ Suu) và đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) lần nữa lại chiến thắng. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu lần này, các tướng lĩnh quân đội sẽ chấp nhận chọn lựa của nhân dân và để bà quản trị đất nước.

{keywords}
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Le Figaro

Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng đã tiếp quản chính quyền từ tay quân đội, lãnh đạo Myanmar năm 2011 nói: "Chúng ta phải chấp nhận mong muốn của cử tri. Dù ai lãnh đạo, thì điều quan trọng nhất là ổn định và phát triển".

Trong khi đó, Htay Oo - lãnh đạo đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền ở Myanmar thừa nhận: "Chúng tôi đã thua. Chúng tôi phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình thất bại. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận kết quả bầu cử mà không do dự gì".

Những tuyên bố mang tính nhượng bộ nhưng các thành viên cứng rắn trong quân đội - những người điều hành chế độ trước năm 2011 lại là những người nắm giữ chìa khóa cho điều sẽ xảy ra tiếp theo.

Nhận ra những tổn thất kinh tế to lớn bởi cô lập chính trị và kinh tế, chế độ quân sự đưa ông Thein Sein lên nắm quyền 4 năm trước đây, thiết lập một chính quyền dân sự tại Myanmar. 

Giờ đây, họ sẽ đổ lỗi cho những cải cách ôn hòa của ông trong thất bại bầu cử. Họ cũng có thể lo ngại hậu quả nếu phe đối lập lên nắm quyền, cho dù có những tuyên bố hòa giải và cách tiếp cận bất bạo động của bà Aung San Suu Kyi.

"Điều quan trọng là không khiêu khích các ứng viên thất bại", bà nói với những người ủng hộ mình.

{keywords}
Những người ủng hộ NLD trước trụ sở đảng ngày 9/11. Ảnh: AP

Ngoài ảnh hưởng của phe thủ cựu, thực tế quân đội ở Myanmar còn nắm giữ rất nhiều quyền lực. Kể cả nếu NLD chiếm đa số trong tổng số 664 thế quốc hội, USDP (quân đội) vẫn sở hữu 25% số ghế theo quy định của hiến pháp.

Hơn thế nữa, bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống vì đã kết hôn với người nước ngoài - sử gia Michael Aris - và có hai con trai là người Anh. Hiến pháp do hàng ngũ tướng lĩnh Myanmar xây dựng ra quy định nghiêm cấm việc này.

Aung San Suu Kyi tuyên bố, bà sẽ vẫn dẫn dắt đất nước ở vị trí "cao hơn cả tổng thống". Nhưng đây sẽ là một sứ mệnh khó khăn, nhất là khi quốc hội Myanmar sẽ không bầu chọn một tổng thống mới cho đến tháng 2 năm tới.

Quan trọng hơn cả, quân đội dù có thất bại trong bầu cử, vẫn giữ lại các vị trí bộ trưởng chủ chốt gồm quốc phòng, công an và biên giới. Cũng theo Hiến pháp hiện hành, quân đội có thể trực tiếp kiểm soát toàn bộ chính phủ, kể cả quản lý kinh tế nếu cần thiết.

Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia của quân đội thậm chí quan trọng hơn cả quốc hội. Chính phủ NLD sẽ không có tiếng nói nếu quân đội ra quyết định về vấn đề các nhóm dân tộc thiểu số. Nghĩa là, kể cả NLD thành công trong bầu cử, thì quyền lực thực sự vẫn nằm ở nơi vốn có trước đó.

Xử lý tình thế này đòi hỏi kỹ năng chính trị của bà Aung San Suu Kyi. Bà được quốc tế đánh giá cao, nhưng rất nhiều thách thức trong nước sẽ đặt trọng trách lên đôi vai bà.

Sau gần 1/4 thế kỷ, Aung San Suu Kyi đã trở lại trong vinh quang. Bà có một chiến thắng tuyệt vời trước các vị tướng lĩnh cũ. Nhưng, bà sẽ không thể cầm quyền mà không có họ.

Thái An (Theo Guardian)