- ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng việc quy định cho nhập tàu cũ về tháo dỡ lợi bất cập hại.
Thảo luận bộ luật Hàng hải sửa đổi hôm nay, nhiều ĐB lưu ý việc nhập tàu cũ về tháo dỡ sẽ có nguy cơ biến VN thành bãi rác thải của thế giới.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng chỉ nên cho phá dỡ các tàu hết hạn sử dụng và các tàu bị đắm cẩu lên, tuyệt đối không nhập tàu cũ về phá vỡ để lấy sắt vụn.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc không ô nhiễm môi trường và VN không trở thành bãi rác thải của thế giới, phải có phí bảo vệ môi trường.
ĐB Trần Du Lịch |
Ông cũng đề nghị quy định rõ nghĩa vụ tái xuất và trách nhiệm của hải quan khi giám sát việc này. Vì hiện nay có tình trạng tại các cảng chất rất nhiều các loại rác nhưng không có người nhận và cũng không ai chịu trách nhiệm chở đi.
Sau lợi nhuận là xã hội điêu đứng
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho hay, tàu cũ khi phá dỡ rất độc hại cho công nhân cũng như cho môi trường xung quanh.
"Có những thứ không có ngưỡng nào để kiểm tra sự an toàn cả về mặt môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Có những thứ gây chết ngay, có những thứ một ngày tích tụ, hai ngày, ba ngày, thậm chí 10 năm, 15 năm, gây ra rất nhiều các bệnh tật nguy hại. Nhập tàu cũ về dỡ có thể mang lại lợi ích lớn về kinh tế nhưng sau lợi nhuận là làm cho xã hội điêu đứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, chưa kể ảnh hưởng đến nòi giống, trí tuệ và thể lực của nhiều thế hệ sau này", ĐB cảnh báo.
ĐB Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, VN đang cần một số nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được. Cho phép nhập tàu cũ về tháo dỡ nhưng cần quản lý hết sức chặt chẽ.
ĐB Nguyễn Đức Kiên |
Thành lập chính quyền cảng
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng gọi "Ban quản lý và khai thác cảng" là câu nệ chính quyền cảng và chính quyền địa phương mà không nhìn vào bản chất và hiệu quả kinh tế của chính quyền cảng. Ông đề nghị dùng đúng từ "chính quyền cảng".
"Không quy định rõ như vậy, cụm cảng Hải Phòng đầu tư tới 28.000 tỷ đồng, nếu không có cơ quan quản lý tốt sẽ dẫn tới tình trạng giống như ở cảng Thị Vải - Cái Mép", ông Kiên dẫn chứng Thái Lan cũng tổ chức chính quyền cảng có hiệu quả.
ĐB Trần Du Lịch gọi đây là một loại định chế lưỡng tính, vừa là cơ quan công quyền, vừa là doanh nghiệp. “Trên thế giới không có nước nào chỉ có một trong hai loại mà luôn có loại lưỡng tính”, ông nói.
Thu Hằng - Ảnh: Hoàng Long