- Người đứng đầu sau khi nghỉ hưởng chế độ hưu trí mà trong quá trình công tác trước đó có sai phạm, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn phải xử lý theo pháp luật - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời VietNamNet tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối nay.
Trả lời báo chí bên hành lang QH, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền có nói nếu cho tôi toàn quyền, tôi có thể tinh giản 40% nhân viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ có suy nghĩ gì về phát biểu này?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:
Tôi không bình luận gì về ý kiến này, vì đó là quyền của người phát biểu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, để xác định tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, 5%, 10% hay 15% hay bao nhiêu đi chăng nữa thì cần phải tiến hành việc đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị. Không có đơn vị nào chất lượng đội ngũ giống như nhau. Mỗi cơ quan khác nhau thì chất lượng đội ngũ cũng khác nhau. Do đó, tỷ lệ tinh giản biên chế ở các cơ quan khác nhau đương nhiên là không giống nhau.
Chúng ta cần lưu ý rằng, việc tinh giản biên chế lần này không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng mà mục tiêu chính là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thì bên cạnh đưa ra khỏi đội ngũ những người lười biếng, những người không làm được việc, thiếu trách nhiệm, ... chúng ta còn phải tiến hành nhiều giải pháp khác như xác định vị trí việc làm, nâng cao chất lượng tuyển dụng, thu hút được những người tài năng vào trong nền công vụ. ..
Theo quy định thì trong kế hoạch tinh giản biên chế của mỗi cơ quan, đơn vị phải xác định tỷ lệ % biên chế phải tinh giản với mức tối thiểu là 10% trong thời gian từ nay đến 2021, trung bình 1 năm tinh giản từ 1,5% tổng số biên chế trở lên.
Để đạt kết quả tốt, việc tinh giản biên chế lần này đã chỉ ra và nhấn mạnh 3 điểm mấu chốt phải chú ý. Thứ nhất, đó là thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu phải được chú trọng và gắn với nhau; thứ hai là hàng năm các cơ quan phải xây dựng kế hoạch với các chỉ tiêu tinh giản biên chế cụ thể để trình cấp trên phê duyệt. Và khi đã được phê duyệt thì người đứng đầu phải có trách nhiệm thực hiện. Nếu không đạt được thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Thứ ba, tinh giản biên chế được thực hiện theo nguyên tắc "ra 2 vào 1" nghĩa là cứ tinh giản biên chế được 2 người thì chỉ được tuyển dụng vào 1 người.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn |
Để tạo thuận lợi và cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị triển khai việc tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56 quy định về đánh giá, phân lọai cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó đã quy định rất rõ ràng, cụ thể các tiêu chí để đánh giá, phân lọai cán bộ, công chức, viên chức. Có đánh giá, phân lọai đúng, chính xác mới tìm được người yếu, kém, không đáp ứng yêu cầu công việc để đưa vào diện tinh giản biên chế. Nghị định này cũng đã đưa ra việc đánh giá, phân lọai được thực hiện gắn với kết quả công việc, ai giao việc thì người đó đánh giá; theo nguyên tắc: cấp trên đánh giá cấp dưới; người đứng đầu đánh giá cấp phó và những người thuộc quyền sử dụng; cấp trên trực tiếp đánh giá người đứng đầu. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế đòi hỏi người đứng đầu phải có bản lĩnh, có tinh thần khách quan, công bằng.
Để hạn chế tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu gây bức xúc dư luận thời gian qua, đại biểu QH Lê Như Tiến có đề nghị phải quy định cấm lãnh đạo ký bổ nhiệm cán bộ trước khi về hưu? Ý kiến của Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn:
Ý kiến của ĐB Quốc hội Lê Như Tiến về vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiên cứu. Việc đề nghị quy định cấm lãnh đạo ký bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu cần phải làm rõ "trước khi" nghỉ hưu là thế nào? Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng, việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý hoặc tuyển dụng công chức, viên chức là một trong những nội dung của quản lý và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Và nó phải được tiến hành thường xuyên, bình thường, khi mà cơ quan, đơn vị có nhu cầu cần bổ sung lãnh đạo, quản lý.
Nếu dừng không thực hiện việc bổ nhiệm khi mà đơn vị, tổ chức thiếu lãnh đạo thì lấy ai điều hành, lãnh đạo, quản lý đơn vị, cơ quan. Tất nhiên, việc bổ nhiệm chỉ thực hiện khi có nhu cầu, và phải căn cứ vào pháp luật của nhà nước để tiến hành, để lựa chọn được những người xứng đáng. Vì thế chúng ta cần cân nhắc việc cấm này. Không nên đi theo tư duy "cái gì không quản được thì cấm" trong điều kiện hiện nay. Việc quản lý, rồi họat động thanh tra, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền, việc giám sát của mọi người, của dư luận, ...
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cán bộ, công chức, viên chức nếu ngày mai nghỉ hưu, thì hôm nay vẫn phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Sắp đến thời điểm nghỉ hưu, mọi người được thông báo trước 6 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu. Và trong thời gian còn lại đó, mọi người vẫn phải làm việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao và làm đúng theo quy định của pháp luật, kể cả thực hiện thẩm quyền về bổ nhiệm (nếu có). Nếu làm sai, làm trái thì kể cả nghỉ hưu rồi vẫn bị pháp luật xử lý theo quy định.
Không nên cấm việc ký bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu, nhưng để phòng, chống tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu gây bức xúc dư luận như Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nêu, tôi nghĩ cần nghiên cứu có các giải pháp phù hợp. Ví dụ như quy định việc kiểm soát của cấp trên trực tiếp đối với việc bổ nhiệm cán bộ trong trường hợp đã có thông báo nghỉ hưu (ví dụ khi đã có thông báo nghỉ hưu, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm trước khi ký quyết định bổ nhiệm phải được cấp trên trực tiếp đồng ý).
T.Hằng - H.Nhì