- Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp thứ 13 của QH chiều tối nay, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trả lời về phát ngôn của Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình phát biểu tại Singapore.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi liên quan đến sự kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình phát biểu trước QH VN. Nhưng sau đó, khi sang Singapore, ông Tập lại có những phát biểu mà theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao là trái với chủ quyền biển đảo của VN.
"Xin ông đánh giá việc này, các ĐBQH VN có hài lòng với những phát biểu của ông Tập Cận Bình tại phòng họp Diên Hồng không?", phóng viên đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong dịp sang thăm VN, Tổng bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đề nghị đến thăm và phát biểu trước QH VN. Trong phát biểu, lãnh đạo cấp cao TQ đã đề cập đến việc làm sao hạn chế bất đồng, cố gắng tìm các giải pháp cấp cao, tăng cường đối thoại...
"Tôi nghĩ là một người đứng đầu đất nước đã nói thế, thì chúng ta sẽ tiếp tục. Còn chuyện ông ấy sang Singapore phát biểu chỉ là ở cấp độ viện nghiên cứu. Còn giữa TQ với ta là các chuyến thăm cấp cao, trong đó có cả việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm TQ.
Còn phía TQ, sau 9 năm mới có một người đứng đầu sang thăm VN và phát biểu trước QH. Như vậy là có những dấu hiệu nồng ấm trong quan hệ, cùng nhau trao đổi.
Hai bên bình đẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế, trên cơ sở Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố của các bên về ứng trên Biển Đông (DOC), kiên trì để hai nước láng giềng chung sống hòa bình, hữu nghị, cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế.
Chúng ta cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đó là việc không thể khác được", ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Báo VietNamNet đặt câu hỏi về hình thức chất vấn kiểu mới của kỳ họp, theo đó nhiều câu hỏi với những vấn đề rất lớn như Biển Đông, chủ quyền biển đảo, chủ quyền kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng, lạm phát cấp phó... đã đưa ra để chất vất trực tiếp Thủ tướng.
"Nhưng thời gian trả lời của Thủ tưởng quá ngắn, chỉ trả lời trực tiếp một nội dung, và chương trình làm việc của QH cũng kết thúc sớm. Liệu như vậy có thỏa đáng với nhu cầu chất vấn của ĐB và sự chờ đợi của nhân dân theo dõi qua phát thanh, truyền hình trực tiếp?"
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, đây là lần đầu tiên QH tổ chức việc chất vấn và chất vấn lại việc Chính phủ thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, là việc mới trước nay chưa làm bao giờ. Các ĐB vừa phát biểu ý kiến vừa đặt câu hỏi.
Đã có 140 câu hỏi đã được các bộ trưởng trả lời. Với Thủ tướng, có 27 câu hỏi được đặt ra trực tiếp tại hội trường.
"Do thời gian, và nhiều câu hỏi như vậy nên chủ tọa đã dành thời gian thỏa đáng cho Thủ tướng trả lời. Thủ tướng đã có bài phát biểu được chuẩn bị kỹ, bao hàm tất cả các nội dung liên quan đến các chất vấn. Sau đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh thêm vấn đề Biển Đông để tra lời 3 ĐB, rất rõ ràng".
Tiếp tục hỏi về chất vấn, báo VnEconomy cho hay, nhiều ĐB cho rằng hai ngày rưỡi là quá eo hẹp để chất vấn tất cả các thành viên CP, và thời gian chất vấn của Thủ tướng là quá ngắn.
"Việc QH dành một buổi sáng để đọc báo cáo, kết thúc phiên chất vấn thì nghỉ sớm và Thủ tướng chỉ trả lời duy nhất một vấn đề, có nằm trong điều hành của QH không?"
Chủ nhiệm VPQH tiếp tục nhấn mạnh "lần đầu tiên làm không tránh khỏi những điều cần rút kinh nghiệm".
"Chẳng nhẽ Thủ tướng kết thúc rồi ta lại quay lại chất vấn các bộ trưởng? Không nên, sẽ rất loãng", ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh lần nữa rằng bài phát biểu của Thủ tướng đã trả lời tất cả các lĩnh vực các ĐB quan tâm.
Nộp 3/4 tài sản tham ô, Dương Chí Dũng có thoát án tử? Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi: Với quy định đáng chú ý là không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô…những trường hợp bị kết án tử hình trước thời điểm 1/7/2016 (thời điểm bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực) như Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo… có được áp dụng? Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, báo cáo hàng năm về công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy thường chỉ thu hồi được 10 - 30% tài sản bị mất do tham nhũng, năm nay nhiều nhất là 50%. Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định về việc phục hồi thiệt hại cho nhà nước thì có thể được xem xét lại về hình phạt. Nhưng bộ luật này không có hiệu lực hồi tố. Những trường hợp xảy ra trước thời điểm bộ luật có hiệu lực thì không được áp dụng. Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì có Nghị quyết của QH để giải quyết những vấn đề quá độ. |
Chung Hoàng - Phạm Hải