- Nói về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, VN có công thức riêng của mình và được quốc tế đánh giá cao.
>> Kê khai tài sản cho đẹp chứ chưa kiểm soát được
Trao đổi với báo chí nhân ngày quốc tế phòng chống tham nhũng (9/12), Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định: Công tác phòng chống tham nhũng của VN thời gian qua có bước tiến được Tổ chức Minh bạch thế giới và Liên hợp quốc đánh giá cao.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Hoàng Long |
Ông cho hay:
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, thế giới đưa ra công thức: “Nơi nào không làm tốt công tác phòng, chông tham nhũng thì nơi đó bưng bít thông tin, độc quyền của các cơ quan nhà nước và không thực hiện trách nhiệm giải trình”. Căn cứ vào đó, Liên hợp quốc đánh giá và chấm điểm.Riêng VN chúng ta có công thức riêng của mình và được đánh giá cao là dựa vào 3 yếu tố: hoàn thiện thể chế, thực hiện dân chủ và công khai minh bạch cùng với trách nhiệm giải trình.
Về hoàn thiện thể chế, từ những năm 2005 chúng ta đã có luật PCTN, 2007 sửa đổi một lần, 2012 tiếp tục sửa đổi và đến nay Chính phủ đang tổng kết 10 năm thi hành luật để năm 2016 trình QH sửa đổi toàn diện.
Kèm theo là chiến lược PCTN của Chính phủ đến năm 2020, Bộ Chính trị có chỉ thị 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, những người có chức vụ quyền hạn thuộc diện phải kê khai…
Có thể nói, hoàn thiện thể chế của VN có một bước tiến rất dài trong quá trình thực hiện công cuộc PCTN.
Về thực hiện dân chủ và công khai minh bạch, VN thể hiện khá tốt. Điều này thể hiện qua việc Chính phủ thường xuyên chủ động giải trình trước cơ quan đại chúng và nhân dân về những vấn đề mà Chính phủ thực hiện. Tiếp đó là công khai những việc làm của cơ quan nhà nước như thu chi ngân sách, cải cách thủ tục hành chính và một số lĩnh vực khác.
Công khai gắn với dân chủ hóa thực hiện khá tốt thể hiện qua việc người dân tham gia góp ý xây dựng thể chính, chính sách từ Hiến pháp 2013 đến các văn bản pháp quy.
Chính phủ cũng thường xuyên giải trình những vấn đề mà xã hội và báo chí quan tâm. Cụ thể như Chính phủ thường xuyên báo cáo tại các kỳ họp QH, trả lời chất vấn, họp báo, hay chương trình dân hỏi bộ trưởng trả lời…
Chính vì vậy, điểm số về cảm nhận tham nhũng của VN có sự tiến bộ, tăng vài bậc so với thời kỳ trước đây.
Sửa luật để kiểm soát tài sản
Kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhưng có ý kiến cho rằng VN chỉ mới kê khải tài sản nhưng chưa kiểm soát được tài sản. Vậy theo ông, thời gian tới phải có biện pháp gì để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn?
Trong quá trình thực hiện các biện pháp PCTN, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến giải pháp kê khai và công khai tài sản thu nhập. Tuy nhiên trong luật chỉ mới quy định phải kê khai, công khai tài sản thu nhập, còn việc giải trình nguồn gốc tài sản kê khai thì chưa.
Cho nên lần tổng kết này cần đánh giá thật kỹ vấn đề này để đưa nội dung này vào luật PCTN sửa đổi và có chế tài trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó chủ yếu là kê khai tài sản, thu nhập.
Ngoài ra, luật hiện nay cũng chưa quy định rõ ràng việc thu hồi tài sản đối với những người tham nhũng trong nước và những người chạy ra nước ngoài.
Cho nên, việc thu hồi tài sản cũng là một nội dung cần quan tâm đặc biệt trong tổng kết luật và sửa đổi luật sắp tới để làm sao khi phát hiện, xử lý thu hồi tài sản của nhà nước phải được thực hiện một cách đầy đủ, đạt tỷ lệ khá cao.
Thu Hằng