- Sau loạt bom phát quang, bom bi, B52 đến rải thảm, 13 chiến sĩ thuộc Trạm thông tin A69, trạm thông tin cực kỳ quan trọng trên toàn tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, đã mãi mãi nằm lại nơi đây.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn thăm nơi tưởng niệm 13 liệt sỹ thông tin liên lạc hy sinh tại hang Lèn Hà ngày 16/12. |
Hang Lèn Hà vẫn đây …
Lèn Hà là ngọn núi đá nằm phía tây tỉnh Quảng Bình. Từ đây theo đường 15 trở ra Bắc hơn năm chục cây số là Ngã ba Đồng Lộc; theo đường 12A ngược hướng Tây là Khe Ve, Cha Lo; thẳng hướng Nam là đường 20 Quyết Thắng, hang Tám Cô … Tất cả đều là những trọng điểm ác liệt của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại những năm đánh Mỹ.
Di tích lịch sử Hang Lèn Hà nằm cách đường Hồ Chí Minh 3km. |
Ngọn núi này có đỉnh cao nhất 320m. Lưng chừng núi có một hang đá rộng trên 400m2 được chọn là nơi đóng quân của A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134 thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin.
“Đây là nơi đầu tiên nhận mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung ương từ Hà Nội đến chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó còn làm nhiệm vụ tiếp chuyển thông tin sang Lào và là kho dự trữ phương tiện thiết bị kỹ thuật của Binh chủng Thông tin liên lạc, kho dự trữ hàng hóa của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam”, chị Hoàng Thị Luân, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Tuyên Hóa cho biết.
Nơi đặt trạm tổng đài cơ vụ A69 |
Trạm tổng đài cơ vụ A69 là một trong ba đơn vị cấp trung đội của đại đội 9. Quân số của trạm lúc cao nhất là 33 người thuộc nhiều bộ phận. Trong đó, tiểu đội tổng đài gồm 13 nữ chiến sĩ, người lớn nhất chỉ mới 22, nhỏ nhất là 2 cô 16 tuổi, đều là người Bắc và chưa ai có gia đình.
Xác định thông tin liên lạc có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phối hợp lực luợng để giành chiến thắng trong các cuộc cách mạng. Ngay từ khi mới thành lập, chiến sĩ cơ vụ của trạm đã xác định nhiệm vụ hết sức nặng nề và vô cùng quan trọng đó là đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời.
13 chiến sĩ anh hùng đã ra đi mãi mãi
Khoảng hơn 13h ngày 2/7/1972, sau bữa cơm trưa, 3 chiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực.
Chỉ một lúc sau, tiếng máy bay gầm rú, những loạt bom phát quang, bom bi, B52 đến rải thảm dội xuống. Khu lán trại nhà kho bốc cháy, 13 người gồm 3 nam và 10 nữ chiến sĩ hy sinh.
Ngày 2/7/1972, 13 chiến gồm 10 nữ 3 nam sĩ đã hy sinh tại đây |
“Nén nước mắt, đau thương, 3 chiến sĩ còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ thay cho đồng đội của mình. Thông tin lại được thông suốt sau đó một giờ, nửa tháng sau mới có lực lượng về bổ sung. Lúc đó giọng 3 chiến sĩ đã khản đặc. Thời gian tiếp theo, A69 vẫn tiếp tục hoạt động, phục vụ các chiến trường đến ngày Bắc - Nam nối liền một dải”, chị Luân kể tiếp.
Ngày 7/5/2009, hang Lèn Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tên tuổi các chiến sỹ hy sinh đã được Chủ tịch nuớc phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND.
Trong khuôn viên 5 hecta của khu di tích, nơi đặt lán trạn, nhà kho nay đã trở thành bia tưởng niệm khói hương nghi ngút. Cạnh đó là giếng ăn, giếng nữ, giếng nam, ao cá.
Giếng nữ, nơi các nữ chiến sỹ thông tin A69 sinh hoạt, tắm giặt. |
Trèo lên 269 bậc đá là hang với mái vòm sừng sững rộng chừng 400m2 có một tấm bia. Phía sau tấm bia là máy tải ba, máy TCT 1-2, hộp bảo an, tủ phối dây, tổng đài TT 194, phía hang bên kia là nơi đặt trạm nguồn điện.
Theo dấu tay chị Luân, chúng tôi nhìn lên tường hang, dòng chữ: “Quý xăng như máu/ Yêu máy như con/ Quyết tâm bám máy giữ vững thông tin liên lạc” đã mờ theo thời gian.
Nếu ở hang Tám Cô có 13 người lính và thanh niên xung phong hy sinh, Truông Bồn cũng 13 người, Ngã ba Đồng Lộc có 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh cùng lúc, thì ở hang Lèn Hà cũng như vậy 13 người (10 nữ, 3 nam).
10 chiến sỹ nữ hy sinh tại hang Lèn Hà duy chỉ có chị Vũ Thị Lan lớn tuổi hơn cả, 9 chị em còn lại họ đều rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 16, 17 như chị Chu Thị Mạnh và Hoàng Thị Liên, Ngô Thị Luận, Nguyễn Thị Anh, Lê Thị Châm…
Hải Sâm
(Còn nữa)