- Giáo sư Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana, Hoa Kỳ) trao đổi tại bàn tròn 'Dân chấm điểm chính quyền - Kinh nghiệm Quảng Trị' với VietNamNet.

Chỉ dừng ở Quảng Trị thì rất uổng

BTV Thủy Chung: Mscore đã được thực hiện tại Quảng Trị 1 năm với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam tại Việt Nam. Với những hiệu quả đã mang lại như thế, vậy đến khi kết thúc dự án, không còn sự hỗ trợ từ tổ chức quốc tế nữa thì Quảng Trị còn tiếp tục thực hiện cách làm này hay không và thực hiện như thế nào? Và quan trọng hơn sẽ đưa vào chính sách điều hành của tỉnh ra sao?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Các vị ở đây chắc cũng thống nhất, mình làm cái gì mà thấy lợi ích nó đến vời người dân thì mình luôn luôn phải theo hướng đó, phải nỗ lực, suy nghĩ trăn trở, mình phải đưa sáng kiến này càng sâu và rộng trong đời sống xã hội. 

Riêng Quảng Trị, sau 1 năm triển khai, trong kỳ họp cuối năm HĐND vừa rồi, HĐND tỉnh đã đưa vào nghị quyết sẽ triển khai sáng kiến này để đánh giá dịch vụ công trong bệnh viện và trường học, tiến tới đưa vào cải cách hành chính văn phòng 1 cửa cấp xã.

Hiện nay phạm vi triển khai đang còn rất là hẹp, chủ yếu trong cấp giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, lĩnh vực môi trường, quản lý đô thị, đất đai và hộ tịch và ở cấp huyện. Còn sở ban ngành cấp tỉnh và cấp cơ sở đang là địa hạt rất rộng. 

Thứ hai là lĩnh vực xã hội, có rất nhiều vấn đề mà người dân còn phiền lòng nhưng làm sao để đánh giá. Tháng 1 tới đây, Ban Thường vụ tỉnh ủy sẽ có nghị quyết đẩy mạnh việc này.

Về phía tỉnh Quảng Trị chúng tôi sẽ tập trung mở rộng. Kể cả khi không còn dự án, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì bằng chính sách địa phương. Vấn đề ở chỗ nếu sáng kiến này dừng chỉ một địa phương như Quảng Trị thì rất uổng phí. Chắc giáo sư Ngọc Anh mong muốn nhân rộng dự án ở tầm quốc gia.

{keywords}

Tôi nghĩ cần mở rộng dự án ở một số địa phương khác, để đủ lớn để vận động thành chính sách quốc gia. Được thế thì người dân cả nước cũng sẽ được thụ hưởng.

Ông Trần Ngọc Anh: Chúng ta đã có thời gian thử thách, rút ra bài học thành công cũng như khó khăn thách thức khi áp dụng ở Quảng Trị. Thời gian qua, Oxfam đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành của tỉnh để hoàn thiện từ việc chọn mẫu, bảng hỏi, tới truyền thông tới người dân.

Hiện nhiều tỉnh có nhiều lãnh đạo mới được bổ nhiệm, sẽ tạo nên không khí mới để có thể áp dụng sáng kiến, lấy phản hồi của người dân cũng như khách hàng về các dịch vụ hành chính, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xử lý nhanh chóng phát sinh.

Về phần mình, trong công tác nghiên cứu, chúng tôi cũng cố gắng đề xuất, lấy bài học thành công ở Quảng Trị để xem có thể áp dụng ở các địa phương khác hay không.

BTV Thủy Chung: Chúng tôi nhận được câu hỏi của độc giả Thùy Minh đặt ra với ông Đinh Duy Hòa. Đó là:

"Cải cách hành chính đã qua giai đoạn I (2011-2015), cơ bản có những chuyển biến tốt, tuy nhiên kết quả đạt được còn chưa thấy được điểm nhấn; nhiều cách làm của địa phương đi trước cả chủ trương của TƯ như thi tuyển lãnh đạo, trung tâm hành chính công, phần mềm một cửa điện tử... có đột phá nhưng hết giai đoạn này, chúng ta chưa tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó cũng hạn chế phần nào những cách làm mới trong CCHC.

Theo ông đến giai đoạn II (2016-2020), CCHC nên đề ra những nhiệm vụ, việc làm trọng tâm gì để tạo điểm nhấn, đột phá hơn giai đoạn trước" và nhất là biến những cách làm tốt, tích cực chủ động của địa phương trở thành cách làm rộng rãi và phổ biến để người dân có thể đánh giá cơ quan hành chính, cán bộ hành chính trở thành việc bình thường, lành mạnh trong xã hội"?

{keywords}

Cần có thời gian

Ông Đinh Duy Hòa: Về việc nhân rộng, thể chế hóa chính thức các sáng kiến như kiểu Mscore, tôi cho rằng cần có thời gian. Chúng ta hình dung Việt Nam bắt đầu cải cách hành chính chí ít là 20 năm nay, bắt đầu từ 1995 với nghị quyết TƯ 8 khóa 7 của TƯ Đảng, chính thức đề cập tới việc CCHC.

20 năm nhìn quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam chúng ta phải khẳng định một điều là các sáng kiến cải cách thì địa phương lại nhiều hơn trung ương.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quá trình cải cách trăn trở suy nghĩ và đưa ra các sáng kiến và quá trình VN đi là ban đầu làm thử ở một tỉnh, nếu tốt thì làm rộng ra một tí vẫn ở cái tỉnh đó, rồi tiếp tục sơ kết nếu Trung ương khẳng định là tốt thì mới nhân rộng ra cả nước.

Tôi ví dụ một cửa ở TP.HCM năm 1995 bắt đầu mà 2003 mới chính thức triển khai cả nước, như vậy là 8 năm, rồi cơ chế khoán biên chế, kinh phí hành chính cũng là qua thí điểm rồi 2005-2006 mới chính thức trên cả nước. 

Và ví dụ thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý vẫn đang trong quá trình thí điểm, chưa chính thức. Như vậy lộ trình cải cách hành chính của chúng ta nếu nói sáng kiến gần như là thí điểm hẹp - rộng rồi mới chính thức cả nước. Bây giờ quay trở lại câu chuyện Mscore Quảng Trị, về mặt thời gian là mới được 1 năm mặc dù chúng ta thấy rất tốt.

{keywords}
Động cơ lãnh đạo tỉnh cần phải gắn với sự hài lòng của người dân

Vậy thì điều kiện để mở rộng chính thức thể chế hóa nói như ông Dũng là thành chính sách quốc gia thì đã đủ chưa. 

Chỗ này tôi thấy cần có thời gian để so sánh. Hiện nay, Chính phủ đang có chỉ số hài lòng hành chính, xét bản chất tôi có cảm giác Mscore và chỉ số hài lòng hành chính về cơ bản giống nhau.

Vừa nãy tôi có hỏi ông Dũng, mình hỏi dân là hỏi những yếu tố nào. Chỉ số hài lòng hành chính tập trung hỏi dân 4 yếu tố: tiếp cận thủ tục hành chính, tiếp cận dịch vụ hành chính; thủ tục hành chính; đội ngũ công chức làm việc ấy; kết quả. 4 yếu tố này ông Dũng đã có đề cập. 

Xét về mặt nội dung hỏi dân là giống nhau, phương thức để triển khai hỏi Chính phủ quy định hoặc là phát phiếu hỏi, phỏng vấn hoặc có thể tập trung bà con lại, ví dụ một huyện ở Quảng Trị, nửa năm vừa rồi 100 người hoàn tất lấy sổ đỏ lựa chọn trong đó để đánh giá về dịch vụ lấy sổ đỏ của huyện đó xem bao nhiêu người và tập trung bà con lại để phát phiếu, nội dung câu hỏi thiết kế sẵn.

Hình thức thứ hai, có thể là trả lời qua mạng. Mscore của Quảng Trị là hình thức thứ ba, qua điện thoại. Cách thức có thể khác nhau. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, Mscore khá tương đồng với Chỉ số hài lòng hành chính mà chính phủ đang chỉ đạo thực hiện.

Chúng ta hy vọng trong giai đoạn đoạn một tới hết 2015, phải đạt được con số là trên 60% người dân hài lòng về dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế công, dịch vụ giáo dục công và thủ tục hành chính. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nội vụ rằng, hết 2015, phải ra được chỉ số hài lòng hành chính ở những lĩnh vực cụ thể. Cả nước chưa có nhưng một số tỉnh đã có.

Năm 2014, Phú Thọ, Bình Định, Thanh Hóa với sự hỗ trợ của WB đã đưa ra chỉ số về hàng loạt dịch vụ hành chính công như y tế, giáo dục, sổ đỏ, giấy phép xây dựng. Sau đó, WB hướng dẫn, có thêm cả Vĩnh Phúc vì vừa làm vừa rút kinh nghiệm. 

Tình hình chung, số liệu có thể công bố chính thức là nói chung người dân hài lòng tầm 60-65% với các loại dịch vụ này ở Vĩnh Phúc. Tôi cho rằng, con số này tương đối sát với thực tế.

Bây giờ, chúng ta phải xem Mscore có tương đồng với chỉ số hài lòng hành chính hay không. Nếu tương đồng thì không cần chính thức hóa để làm thêm. Nếu có khác biệt lớn, và có lợi thì nên tiếp tục nhân rộng mô hình Quảng Trị. PAPI cũng từng như thế, ban đầu vài tỉnh, sau đó là cả nước cũng phải mất 7 năm.

Mscore rất hay, nhưng đưa thành chính sách áp dụng chung cả nước cần phải có thời gian để đánh giá cho chuẩn.

{keywords}

Ông Trần Ngọc Anh: Tôi có ý kiến này để có thể lan rộng nhanh những sáng kiến thực sự tốt cho CCHC. Đó chính là động cơ lãnh đạo tỉnh cần phải gắn với sự hài lòng của người dân. Hiện nay chuyện này còn mờ nhạt. Nghĩa là một người lãnh đạo ở tỉnh này, huyện hay đơn vị này, việc tiếp tục giữ vị trí hay bổ nhiệm lên cao nữa có gắn với việc phục vụ dân ở nơi đó không?

Cũng có thể sáng kiến này sẽ tích hợp vào những quy định của nhà nước. Trên cơ sở sáng kiến này sẽ bổ sung điều cần thiết để chính sách ban hành ngày càng hoàn thiện, hướng tới coi trọng người dân trong việc phản hồi các chính sách của chính phủ, chú trọng quyền của người dân mà trực tiếp là quyền đại diện cho chính cá nhân cụ thể.

BTV Thủy Chung: Xin cảm ơn ba vị khách mời đã tham gia bàn tròn của VietNamNet.

Vẫn còn những khó khăn, trở ngại trên con đường để chúng ta đạt được mục đích có một nền hành chính công thực sự hiện đại, vì dân, phục vụ cho lợi ích cao nhất của người dân và doanh nghiệp.

Những cách làm ở Quảng Trị, các bộ ngành, tỉnh mà chúng ta ghi nhận lâu nay là những bước đầu tiên, chủ động, sáng tạo và đổi mới. 

Hy vọng như ông Ngọc Anh nói về không khí mới của các tỉnh mà ông đặt kỳ vọng, chúng ta sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác CCHC ở các địa phương, và toàn quốc.

C. Hoàng- T.Hạnh - D.Thúy - N.Thủy - Ảnh: Lê Anh Dũng