- Vừa qua đóng góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo chính trị, nhiều câu hỏi của quần chúng, đảng viên, của giới trí thức cho rằng tại sao chúng ta có nhiều điều kiện khách quan thuận lợi mà chúng ta lại phát triển chậm, không tương xứng với tiềm năng?

Đây là cách đặt vấn đề đúng. Và người dân mong Đại hội lần này tìm ra câu trả lời. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này để có câu trả lời thật thoả đáng nhằm đưa đất nước phát triển.

Phải mạnh dạn đổi mới

Cũng đừng bao giờ tự hài lòng mà cho rằng chúng ta so với trước kia, với những thời gian khốn khó đã có nhiều tiến bộ. Phải so sánh với các nước cùng điều kiện xuất phát để có cái nhìn khách quan. Có như vậy mới lắng nghe được những ý kiến xây dựng, những giải pháp đúng đắn.

Người nông dân trong cuộc sống thường ngày trồng cây gì, con gì không có lợi, không đem lại hiệu quả thì mùa sau, năm sau họ sẽ bỏ đi làm khác.

Cuộc sống thực tế chính là thước đo cho mọi thứ lý luận. Xã hội tốt đẹp xã hội dân chủ minh bạch, cuộc sống sung túc thì không thể có thế lực nào bôi nhọ chống phá.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Mỗi kỳ Đại hội, Đảng đều đưa ra cương lĩnh chính trị của mình. Nó được thể hiện bằng hai hình thức: Cương lĩnh cho một giai đoạn nhất định, 20 thậm chí là 40 năm và cương lĩnh cho một kỳ Đại hội, thể hiện bằng Báo cáo chính trị.

Cương lĩnh dẫn dắt cho hành động của dân tộc. Nó chính là sự vạch đường cho sự phát triển. Chúng ta nói nhiều đến quy luật vận động và phát triển của hiện thực khách quan, và sự nhận thức, tác động của con người có vai trò vô cùng to lớn.

Cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau tại sao có nước lại phát triển có nước lại trì trệ, dân tình khổ sở? Cùng một đất nước nhưng người này lên đem lại nhiều thành tựu, người khác lên lại đổ vỡ?

Đó chính là nhận thức đúng, do sự lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhận thức được quy luật để tác động đúng.

Không thể nói vạch đường đúng mà xã hội lại chậm phát triển, không thể nói chỉ đạo đúng mà xã hội ta lại tụt hậu trì trệ.

Đổi mới là sự vượt lên chính mình, từ bỏ giáo điều cũ kỹ những cái dẫu quen nhưng không đem lại lợi ích cho dân tộc. trái với quy luật thì kiên quyết từ bỏ. Tiếng nói khác mà thực tâm, xuất phát từ thực tiễn thì cần nghiên cứu tiếp thu.

Cương lĩnh chỉ đạo cả giai đoạn dài, còn Nghị quyết đại hội là sự thể hiện cho từng bước đó, từng nấc thang đó. Chúng ta hay nói đến tầm nhìn, chúng ta rất giỏi lý luận về tầm nhìn. Nhưng thực tại là điều tiên quyết.

Mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Nghị quyết của từng kỳ nên giải quyết cái cụ thể cuộc sống đặt ra trong giai đoạn đó. Phải định lượng cho được những chỉ tiêu, những vấn đề cụ thể. Không thể để những cụm từ trừu tượng chung chung, làm cũng được mà chưa làm cũng được.

Xây dựng một đất nước là công sức của cả một dân tộc, của nhiều thế hệ. Phải làm sao để phát huy được sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc, cả kiều bào.

Cần mạnh dạn đổi mới nhận thức cách làm, nếu nhận thức chưa đúng, lý luận chưa phù hợp phải nhận thức lại. Cuộc sống trì trệ không phát triển chắc chắn lý luận sai, cứ cố bám giữ thì sẽ càng mãi tụt hậu.

Đất nước ta hơn 30 năm đổi mới đã có những bước phát triển. Tuy nhiên “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng” như trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra.

Sự tụt hậu, sự trì trệ đã hiện hữu, nếu không có những bước đột phá mới, không có cuộc đổi mới lần 2 thì sẽ càng tụt hậu.

Đảng trong lòng dân tộc

Mỗi kỳ đại hội, người dân mong chờ có những đột phá mới cho sự phát triển, đó là sự tin tưởng, đặt niềm tin vào Đảng.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Nhân dân đã theo Đảng, đã đùm bọc Đảng, Đảng là của dân tộc. Mọi sự thắng lợi của Đảng chỉ có thể thực hiện được khi người dân đồng lòng ủng hộ.

Hiện nay nguy cơ hiện hữu là niềm tin vào Đảng của người dân giảm sút. Nếu không nhận thức đúng, không có giải pháp phù hợp thì đó chính là nguy cơ. Hãy nhìn vào vấn đề lợi ích. Chắc chắn trong nghị quyết, trong đường lối, lợi ích của dân và của Đảng là một, là đồng hành cùng nhau. Đảng và dân, dân và Đảng không thể tách rời.

Tuy nhiên trong thực tế có một số người đã làm khác, hành động khác. Họ là những con sâu hay “bầy sâu” như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói. Chính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm sẽ làm hỏng công lao của Đảng. Thực tế quần chúng bức xúc chính là ở một bộ phận đảng viên có chức có quyền thoái hóa, biến chất này. Họ nhân danh Đảng, nhân danh tập thể, tổ chức để làm trái để hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, biến cái chung thành cái riêng, tạo vùng trời riêng…

Người dân nhìn vào bộ phận thoái hóa biến chất, “bầy sâu” này để đánh giá về Đảng vì họ là đảng viên, là người lãnh đạo có chức có quyền.Họ đã làm hoen ố những giá trị cao đẹp mà Đảng đã dày công xây dựng, vun đắp.

Số đó dựa vào những kẽ hở của chính sách để trục lợi, nhân danh chính quyền, nhân danh lợi ích tập thể để chà đạp lợi ích của người dân.

Nhiều chính sách của Đảng rất đúng đắn như những dự án cho người nghèo, dự án thu hồi đất xây dựng phúc lợi tập thể, chế độ cho người có công… bị họ lợi dụng biến tướng. Họ đã dành sự béo bở cho người thân, “nhóm lợi ích”... mà các cơ quan chức năng đã phanh phui.

Rất nhiều những điểm làm sai như vậy dẫn đến uy tín Đảng giảm sút. Đây thực sự là nguy cơ. Phải nhìn nhận rõ những nguy cơ này và kiên quyết khắc phục thì mới lấy lại được sức mạnh của Đảng, mới biến sức mạnh của quần chúng thành sức mạnh làm nên chiến thắng.

Và công tác cán bộ của Đảng là quan trọng hàng đầu. Đại hội nếu chọn được những người vì dân vì nước không tham quyền cố vị, đặt lợi ích dân tộc lên lợi ích cá nhân, không đưa người thân, người cùng phe cánh vào các vị trí lãnh đạo.

Khi không được tín nhiệm, khi không đủ tiêu chuẩn, thì kiên quyết loại bỏ. Cán bộ phải thực sự gương mẫu, phải là đầy tớ của dân như Bác Hồ đã dạy thì mới giữ được uy tín cho Đảng.

Tin tưởng Đại hội lần này bầu ra được những người như vậy.

Nguyễn Đăng Tấn