Cần đổi mới công tác nhân sự ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới - ý kiến của ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương.

Yêu cầu khách quan

Đổi mới chính trị là yêu cầu khách quan, là bộ phận cấu thành tất yếu của công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đánh giá kết quả đổi mới chính trị mấy chục năm qua, cần thấy được những chuyển biến tích cực, nhưng không thể không thừa nhận đổi mới chính trị chưa đạt so với yêu cầu của công cuộc đổi mới. Thể chế nhà nước pháp quyền XHCN tuy đang được thiết kế và thực thi nhưng chưa chưa hiệu quả như đáng ra phải có. Quyền làm chủ của nhân dân nhiều nơi bị vi phạm, chưa được đảm bảo. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới, việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước còn nhiều điều chưa rành mạch, hiệu lực và hiệu quả quản lý thấp. Tệ quan liêu, tham nhũng trong bộ máy, trong cán bộ lãnh đạo, công chức các cấp chưa được khắc phục, diễn biến có chiều hướng phức tạp. Lòng tin của nhân dân tiếp tục suy giảm. Những yếu kém nói trên xét kỹ, đều trực tiếp liên quan đến đổi mới chính trị. Trong thực tế nó đã trở thành khâu "nghẽn", hạn chế sự nghiệp đổi mới.

Từ hai mươi năm trước, trong Đại hội VII, Đảng đặt vấn đề đổi mới chính trị, không né tránh việc gọi sự vật bằng chính cái tên của nó. Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã ra Nghị quyết đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Nhưng sau đó, nhất là sau những thất bại cay đắng của một số đảng cộng sản cầm quyền, dường như trong Đảng, trước hết là trong lãnh đạo, có xu hướng e ngại đổi mới chính trị. Sự dè dặt thể hiện ngay trong ngôn từ, "đổi mới chính trị" được thay bằng "đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị"; "đổi mới, chỉnh đốn Đảng" được thay bằng "xây dựng, chỉnh đốn Đảng"…

Đổi mới chính trị là việc hệ trọng, liên quan đến sự an nguy của chế độ, đòi hỏi phải cân nhắc, tiến hành hết sức thận trọng. Đổi mới chính trị là vấn đề rất phức tạp, động chạm trực tiếp đến lợi ích sát sườn của các bộ phận, các nhóm xã hội. Nói chung, bộ phận đang hưởng lợi từ tình trạng trì trệ thường "dị ứng" với đổi mới. Lợi ích tối cao của đất nước không phải lúc nào cũng đồng thuận với những lợi ích cục bộ, nhưng lại hay được viện dẫn để bảo vệ lợi ích cục bộ.

Đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011. Ảnh: Long Anh
Sau Đại hội XI của Đảng, có một số dấu hiệu chuyển biến tiến bộ trên lĩnh vực này, trong dư luận xã hội và trong Đảng như: Việc thảo luận sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh 1991, Hiến pháp 1992 với những nội dung cơ bản hơn ý tưởng ban đầu; nhiệm vụ "đổi mới chính trị" được nêu lại đích danh trong một số cuộc hội thảo do cơ quan đảng chủ trì…

Đổi mới chính trị chỉ thực sự có ý nghĩa thông qua việc thực hiện một hệ thống các chủ trương, chính sách, biện pháp... một cách đồng bộ, nhất quán, có mục tiêu cụ thể. Cần có ý tưởng rõ ràng, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, có tầm nhìn vượt qua những hạn hẹp của các lợi ích cục bộ. Nên chăng có một Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tập trung bàn chuyên đề vấn đề này. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, luật pháp… có ý nghĩa quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học và thực sự dân chủ, huy động được trí tuệ rộng rãi của toàn xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, một việc quan trọng và thiết thực có thể triển khai ngay là tổ chức thực thi những quan điểm cơ bản về đổi mới chính trị đã được nêu trong Hiến pháp hiện hành, trong Điều lệ, Cương lĩnh, trong Điều lệ và các nghị quyết của Đảng. Trong đó, nhiều vấn đề có tính chất nền tảng, đúng đắn, đã đủ sức làm căn cứ pháp lý thực hiện nhưng vẫn còn trên giấy hoặc thực hiện không triệt để, không đúng với tinh thần và lời văn của các luật cơ bản.

Mới và khó

Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là vấn đề trọng tâm của đổi mới chính trị. Trong các khuôn khổ hiện hành đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội là trọng điểm, là đòn xeo đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Điều này trước hết xuất phát từ vai trò, vị trí của Quốc hội nước ta trong tổ chức quyền lực nhà nước được Hiến pháp quy định: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất", "cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp", "quyết định những chính sách cơ bản", quyết định "những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước…", "thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước".

Với vai trò, vị trí như vậy của Quốc hội, rõ ràng đổi mới hoạt động của nó sẽ quyết định việc đổi mới hoạt động của cả hệ thống.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trước hết là đổi mới sự lãnh đạo đối với Quốc hội, lãnh đạo hoạt động của Quốc hội theo đúng Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Đảng, đảm bảo "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân". Xây dựng thể chế cầm quyền của Đảng thông qua Quốc hội trở thành vấn đề phải ưu tiên giải quyết.

Đây là vấn đề mới và khó, hay bị trì hoãn.

Khó trước hết là vì mô hình chính trị Việt Nam khác biệt: Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Đảng Cộng sản là chính đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền; quyền lực nhà nước là thống nhất (có phân công, phối hợp, nhưng không phân lập ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp); Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Những khác biệt đó quy định sự khác biệt trong phương thức lãnh đạo - cầm quyền của Đảng trong Quốc hội.

Không thể duy trì phương thức lãnh đạo và cầm quyền từng phổ biến trong các nước XHCN mô hình cũ. Ở đó quốc hội hoạt động trên thực tế như một cơ quan cơ quan chấp hành, thực thi và thể chế hóa những quyết định của đảng được đưa ra từ trước, từ trên, từ bên ngoài quốc hội. Dù luật pháp chính thức có quy định thế nào thì hoạt động của quốc hội cũng không thoát khỏi tính hình thức. Với một quốc hội không có thực quyền thì không thể nói đến nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong thực tế.

Cũng không thể máy móc áp dụng các thủ pháp cầm quyền của các chính đảng trong các nền chính trị dân chủ đa nguyên, đa đảng, xã hội dân sự phát triển như ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Dù hệ thống luật pháp, thể chế, văn hóa, chính trị… của họ đã đủ tạo ra khuôn khổ cho đời sống chính trị ở đó vận hành. Các chính đảng "có chân" trong quốc hội, một số tham gia chính phủ, một số đối lập, có lý do để hình thành các đảng đoàn, để đòi hỏi đại biểu - đảng viên bỏ phiếu theo lập trường chung của đảng.

Hạn chế ra quyết định 'cứng'

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội nước ta những năm qua đã có một số chuyển biến, nhưng còn không ít vấn đề chưa được minh định rõ ràng và những trường hợp xử lý cụ thể chưa đảm bảo thể chế.

Nhân dịp Quốc hội khóa XIII chuẩn bị kỳ họp đầu tiên, xin đề xuất một vài kiến nghị cụ thể.

Một là, nguyên tắc Đảng lãnh đạo hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật phải được thể hiện trước hết trong lãnh đạo Quốc hội, phải đảm bảo để Quốc hội làm đúng chức năng cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Kiên quyết sửa đổi, bãi bỏ các quy định không phù hợp với yêu cầu này.

Làm như vậy không phải là buông lỏng lãnh đạo, không phải là phân chia quyền, lại càng không phải vì lợi ích nào đó của Quốc hội mà chính là vì lợi ích của đất nước, đảm bảo cho vai trò lãnh đạo của Đảng có hiệu quả hơn.

Đảng và Quốc hội đều có chức năng ra quyết định các vấn đề quan trọng, cơ bản, có tầm chiến lược của đất nước. Xác vấn đề này cơ bản trùng với nhau. Vấn đề là tìm một phương thức thích hợp để ra các quyết định, Đảng vẫn phát huy vai trò lãnh đạo, Quốc hội vẫn thực sự phát huy được chức năng hiến định của mình.

Về nguyên tắc và trên thực tế, không có và không thể có mâu thuẫn giữa Đảng và Quốc hội. Tuy nhiên, từ những vị trí, góc nhìn, từ các mối liên hệ cụ thể, có thể có sự khác nhau trong nhận thức, đánh giá tình hình, ý tưởng, giải pháp. Sự khác nhau đó là khách quan, có tính tích cực, vì nó tạo ra khả năng phản biện, cọ sát và mài sắc các quan điểm, tối ưu hóa các quyết định.

Lãnh đạo Đảng cần hạn chế việc ra các quyết định "cứng" trước khi nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hạn chế việc áp đặt các quyết định đó bằng cách đòi hỏi các đại biểu - đảng viên "chấp hành vô điều kiện" trước khi tạo điều kiện để họ dân chủ thảo luận và lắng nghe ý kiến của họ.

Trừ một số ít vấn đề đặc biệt cần có những quyết định "cứng", đòi hỏi các đại biểu - đảng viên quán triệt và chấp hành, còn hầu hết các vấn đề thuộc quyền quyết định của Quốc hội, trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và nhân sự, đều có thể thực hiện bằng "phương thức mềm": Đảng đưa ra những quan điểm định hướng; các định hướng đó có thể thay đổi, chỉnh lý, bổ sung, thông qua thảo luận dân chủ trong Quốc hội (qua đó xã hội tham gia thảo luận) và thuyết phục lý lẽ ("nói phải củ cải cũng nghe"). Từ đó tạo sự đồng thuận thực sự khi ra quyết định.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Như vậy, liệu vị trí đó của Quốc hội có hàm chứa ý nghĩa và một khả năng thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với Đảng - điều mà Đảng nêu rõ trong Điều lệ hay không. Đó là vấn đề cần được nghiên cứu, tổng kết.

Đổi mới công tác nhân sự

Hai là, cần đổi mới công tác nhân sự ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu, phê chuẩn các chức danh của bộ máy nhà nước theo điểm 7 điều 2, Luật Tổ chức Quốc hội 2001. Các chức danh này cũng thuộc diện quản lý của Đảng (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị…) theo quy chế hiện hành. Cách làm cũ là Đảng ra quyết định trước về nhân sự cụ thể, sau đó Đảng đoàn Quốc hội và đảng viên lãnh đạo thực hiện. Cần cải tiến theo hướng đề xuất nói trên. Cụ thể là:

- Tùy theo chức danh cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định dự kiến giới thiệu nhân sự với Quốc hội (có thể quyết định giới thiệu một hoặc nhiều người cho mỗi chức danh).

- Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, bổ sung, giới thiệu nhân sự mới và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Không tiến hành đồng thời với tất cả các chức danh mà tuần tự theo quy định. Ví dụ, trước hết đối với chức danh Chủ tịch Quốc hội, sau khi bầu ra Chủ tịch Quốc hội thì bàn đến chức danh Chủ tịch nước…

- Ban lãnh đạo Đảng lắng nghe, nghiên cứu, phân tích ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cân nhắc lại các phương án, tiến hành giới thiệu nhân sự chính thức. Có thể giới thiệu một hoặc nhiều phương án để các đại biểu Quốc hội lựa chọn và quyết định.

Quy trình nói trên so với trước có thể chiếm thời gian nhiều hơn, nảy sinh thêm một số vấn đề phải xử lý, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp tốt hơn.

Cũng cần nói thêm, theo cách làm hiện nay, việc chuẩn bị nhân sự phó thủ tướng, bộ trưởng… được cơ quan đảng có thẩm quyền tiến hành đồng thời với nhân sự Thủ tướng. Trong điều kiện người được Đảng dự kiến giới thiệu làm Thủ tướng chưa thể có điều kiện chủ trì đề xuất với Đảng và Quốc hội về nhân sự Chính phủ - một quyền hạn và trách nhiệm quan trọng, gắn liền với tư cách người đứng đầu Chính phủ thì đây là điều cần được điều chỉnh. Có thể bằng cách dành cho Thủ tướng mới được bầu quyền đề xuất với Đảng những kiến nghị thay đổi, điều chỉnh nhân sự Chính phủ sau khi đã nghe ý kiến thảo luận tại Quốc hội, khác với dự kiến chuẩn bị ban đầu.

Bùi Đức Lại

Bài được đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng số 6/2011. Tiêu đề phụ do VietNamNet đặt.