Phó đô đốc Hải quân Philippines Alexander Pama hôm qua cho hay, một máy bay nước ngoài không xác định đã quấy nhiễu một tàu cá Philippines ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp tại Biển Đông.
Theo Pama, vụ việc xảy ra vào
ngày 4/6 tại bãi Dalagang Bukid, cách thành phố Puerto Princesa khoảng 131 hải
lý. “Máy bay bay trên tàu cá, chỉ cách khoảng 20-30 mét”, ông nói. “Các ngư dân
không thể nhận diện nguồn gốc máy bay, họ chỉ nói nó là chiếc phản lực vì phát ra
tiếng ồn lớn”.
Ảnh: asiaone
Ông cho biết, máy bay đã khiến ngư dân sợ hãi. “Đây là điều không bình thường khi một máy bay bay sát ngay trên đầu bạn ở độ cao như vậy. Có thể nó giống như sự cảnh báo”, Pama nhấn mạnh.
Philippines đã cáo buộc Trung Quốc - nước có tranh chấp chủ quyền với bốn quốc gia Đông Á ở Biển Đông - về những động thái gây hấn gần đây để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền với các quần đảo giàu tài nguyên dầu khí trong vùng biển.
Trong tháng 3, hai tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí của Bộ Năng lượng Philippines ở Reed Bank. Hai tháng sau đó, hai máy bay của không quân Philippines cũng bị các máy bay chiến đấu lạ quấy nhiễu ở khu vực quần đảo Trường Sa (báo chí Philippines từng đưa tin cho là các máy bay này đến từ Trung Quốc).
Ngoài Trung Quốc và Philippines, các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông gồm Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Philippines dự kiến sẽ thúc giục Diễn đàn Khu vực các nước Đông Nam Á (ARF) giải quyết những căng thẳng hiện tại xung quanh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông sự kiện này khai mạc vào cuối tháng này ở Bali, Indonesia. “Là một diễn đàn an ninh quan trọng, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ có thể là chủ đề chính tại ARF", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói.
Philippines đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vào các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hai tuần trước đây, Tổng thống Aquino mạnh mẽ tuyên bố rằng, nước ông sẽ không để Trung Quốc chèn ép tại khu vực tranh chấp.
Và mới đây, Philippines tuyên bố sẽ cấp phép nhiều hơn cho các công ty tư nhân tìm kiếm dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông cho dù đang có tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc. Theo thông báo của Bộ Năng lượng Philippines, tổng cộng 15 hợp đồng thăm dò sẽ được thông qua, chủ yếu là những dự án ngoài khơi đảo Palawan ở phía tây. Bộ này không nói chi tiết gì thêm ngoài việc cho hay, các lô sẽ bao gồm Đông East Palawan cũng như Tây Bắc của Palawan và lòng chảo biển Sulu.
-
Thái An (Theo gmanews)