- Phó Chủ tịch MTTQ VN cho rằng nên động viên các doanh nhân, kể cả người ngoài Đảng tự ứng cử, nếu những người đó thực sự đủ điều kiện tiêu chuẩn để vào danh sách ứng viên.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Nguyễn Văn Pha xuất hiện trong chương trình Sự kiện và bình luận của VTV1 ngày 20/2 trao đổi về công tác hiệp thương và chất lượng ĐBQH khóa 14.
Ông Nguyễn Văn Pha |
Ông cho biết, trong vòng hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH lần thứ nhất vừa diễn ra, nhiều địa phương đề nghị về cơ cấu, số lượng, thành phần người ứng cử địa phương mình.
Có nhiều băn khoăn của cử tri về hoạt động ĐBQH, đôi lúc những chiếc ghế trống và sự chưa hài lòng của cử tri với ĐB ít nói tiếng nói của bà con tại diễn đàn QH là điều cần suy nghĩ. Vậy theo ông, vấn đề đặt ra yêu cầu cuộc hiệp thương bầu cử sắp tới như thế nào?
Ngoài những hoạt động bình thường với cương vị của mình nơi công tác, khi về dự họp QH, ĐB có ít nhất 3 nơi nói: hội trường, tổ, đoàn ĐBQH. Cử tri biết nhiều ở hội trường thôi, khi truyền hình trực tiếp cử tri mới biết bao nhiêu người phát biểu.
Tôi tính mỗi ngày trực tiếp cùng lắm chỉ khoảng 40 - 45 đại biểu phát biểu, 2 ngày cùng lắm trên 100 người, khó có thể nói 300 người còn lại để đánh giá. Tuy vậy, cử tri cũng đúng, có thể người ta theo dõi đại biểu người ta quan tâm và thấy ít nói thì người ta đánh giá.
Chủ tịch tỉnh hạn chế tham gia QH để điều hành địa phương
Ông đánh giá gì về ý kiến cho rằng nên khắc phục tình trạng trên bằng cách tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu trong các cơ quan hành pháp, hành chính? Theo dự kiến, so với khóa 13 thì ĐBQH ở TƯ khóa tới tăng thêm 15 và 15 người đều là đại biểu chuyên trách, ông bình luận gì về con số?
Được biết cơ quan thẩm quyền cũng đã cố gắng để trong nhiệm kỳ này sẽ giảm bớt hơn nữa đại biểu khối hành pháp, hành chính trong QH.
Dù chỉ được tăng 15 người cũng là cố gắng rất lớn, nằm trong lộ trình để nâng dần số đại biểu chuyên trách lên. Tổng số ĐBQH là 500 người, bây giờ tăng thêm 15 người trong khối lập pháp đồng nghĩa rút ĐBQH khác, vậy rút ở khối nào, đó là cả vấn đề.
Có nhiều ý kiến đề nghị tập trung rút khối hành pháp. Lần này UBTVQH dự kiến khối Chính phủ 18 đại biểu, trong đó có đại biểu của 3 cơ quan báo chí. Ngoài thường trực Chính phủ còn gần 30 bộ ngành cũng chỉ có khoảng 10 đại biểu đứng đầu các bộ ngành tham gia ĐBQH, con số đó theo tôi cũng không nhiều.
Trong tình hình hiện nay, QH chưa phải là chuyên trách 100%, tôi thấy rất cần có đại biểu khối hành pháp trong QH, giúp QH có chất lượng hơn trong khâu lập pháp cũng như trong vấn đề trọng đại của đất nước. Nếu có giảm tiếp khối hành pháp nên nhắm vào giảm ở khu vực địa phương, việc này cũng đã có dự kiến rồi, theo đó chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành sẽ hạn chế tối đa việc tham gia ĐBQH để dành việc điều hành ở địa phương.
Không dựng rào cản
Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng đại biểu khối doanh nghiệp tư nhân, ông nghĩ thế nào?
Dự kiến của UBTVQH về doanh nhân rất chặt chẽ, theo đó chỉ có 7 đại biểu đại diện cho doanh nghiệp và hiệp hội.
Ông Nguyễn Văn Pha trong chương trình Sự kiện & Bình luận trên VTV1 |
Ngay cả hiệp thương của UBTƯ MTTQ VN và các tỉnh TP đều mong muốn nên tăng đại biểu doanh nhân các thành phần kinh tế tham gia ĐBQH. Tôi cho rằng cái đó cũng rất đáng trân trọng, ta đang hội nhập sâu rộng, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Bây giờ khống chế dự kiến như vậy có thể nói rất khó khăn.
Tại cuộc họp của UBTVQH có ý kiến tôi cho rằng cũng rất đáng suy nghĩ, nên chăng động viên các doanh nhân, kể cả người ngoài Đảng tự ứng cử, nếu những người đó thực sự đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của luật bầu cử ĐBQH và HĐND thì Mặt trận có thể tạo điều kiện cho họ để vào danh sách để bầu cử, nếu thực sự xuất sắc thì khả năng trúng cử của họ rất cao.
Những năm gần đây, có ĐBQH thuộc cơ cấu là doanh nhân vi phạm pháp luật và bị bãi miễn, gây mất lòng tin của cử tri, làm thế nào để đảm bảo cơ cấu và giữ được chất lượng ĐBQH?
Đúng là khóa 13 để lại dấu ấn buồn, có 2 ĐBQH bị QH bãi nhiệm và đều là doanh nhân, khiến cho không những cử tri, nhân dân mà cả các cấp lãnh đạo cũng cảm thấy e ngại nếu ta không làm tốt khâu lựa chọn người ứng cử là doanh nhân. Thậm chí lúc quá trình chuẩn bị hướng dẫn bầu cử, cấp tham mưu có ý kiến, nên chăng dựng lên rào cản kỹ thuật để sàng lọc doanh nhân, người tự ứng cử để đảm bảo chất lượng.
Sau khi nghiên cứu kỹ thì Hiến pháp cũng như các luật đều quy định mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, công dân VN từ 21 tuổi trở lên nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn thì có thể ứng cử ĐBQH, nên không được phép dựng rào cản để tính riêng, để sàng lọc người tự ứng cử hay doanh nhân.
Tuy vậy cũng buộc các cơ quan liên quan, đặc biệt là UB MTTQ các cấp xem xét hết sức kỹ lưỡng, đầy đủ, chặt chẽ cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử để cử tri lựa chọn ai trúng cử cũng đều xứng đáng cả.
Hồng Nhì - (theo VTV)