- Ý kiến đề nghị ngoài việc quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của báo chí thì cũng phải quy định cả việc xử lý những cơ quan, đơn vị né tránh, cản trở hoạt động báo chí hợp pháp.

Sáng nay, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật Báo chí (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thị Trường Giang từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền quan tâm luật phải quy định trách nhiệm phát ngôn của những cơ quan quản lý nhà nước với báo chí.

{keywords}
Ảnh: Hồng Nhì

Theo bà Giang, quy chế phát ngôn cho báo chí đã được Thủ tướng ban hành từ lâu song trên thực tế thời gian qua nhiều tổ chức, cơ quan đơn vị, người được giao nhiệm vụ phát ngôn của các cơ quan, đơn vị vẫn né tránh báo chí, không trả lời báo chí dù hoạt động báo chí hợp pháp.

“Chúng ta cứ bàn luật này phải xử lý nghiêm những nhà báo đưa tin thiếu đầy đủ, chưa chính xác nhưng lại không đề cập rõ đến các trường hợp né tránh không trả lời báo chí như vậy.

Khi những người có nhiệm vụ phát ngôn mà né tránh, không chịu trả lời, báo chí sẽ phải tìm những nguồn thông tin khác nên đương nhiên sẽ khó đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác, thậm chí là tác nghiệp chưa hợp pháp”, bà Giang nói.

Xử lý cá nhân cản trở báo chí

Về quy định trong dự thảo luật Báo chí (sửa đổi) về việc không được đe dọa, cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí, bà Giang cho là cần thiết, song để khả thi phải bổ sung quy định hoặc quy định cụ thể hơn, rõ hơn việc xử lý đối với các cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp.

Bà Tô Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng, đã mở rộng quyền tự do báo chí thì các quy định về xử lý vi phạm quyền tự do báo chí phải đầy đủ, chặt chẽ một cách tương xứng để đảm bảo quyền này được thực hiện đầy đủ.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng biết, dự thảo luật Báo chí (sửa đổi) phải tính toán những biện pháp kiểm soát hoạt động báo chí theo luật để qua đó phát triển chứ không phải để thất bại.

"Muốn kiểm soát chất lượng báo chí thì phải là kiểm soát khâu biên tập, nhưng trong dự luật, vai trò của biên tập viên thậm chí không được đề cập, riêng vai trò của nhà báo được đề cao nhưng lại không có quy định nào để bảo vệ nhà báo” - ông phân tích.

Bảo vệ nguồn tin

Phó tổng biên tập báo Hà Nội mới Mai Kim Thoa cho hay, vấn đề bảo vệ nguồn tin là trách nhiệm, một trong những hình thức bảo vệ uy tín cơ quan báo chí. Bà đề nghị bổ sung cơ quan báo chí có quyền tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên họ được tiết lộ theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Mẫn Nhuệ, báo Lao động Thủ đô kiến nghị giữ tên gọi chức danh của lãnh đạo báo như cũ là tổng biên tập và phó tổng biên tập.

"Khi nhắc đến tổng biên tập, người ta biết là nó mang đặc thù riêng của báo chí, còn nếu là tổng giám đốc thì thành lãnh đạo của doanh nghiệp nào đó", ông Nhuệ nói.

Ngoài ra, các đại biểu cũng băn khoăn về quản lý báo điện tử, hoạt động liên kết, hợp tác giữa các báo điện tử với công ty truyền thông…

Hồng Nhì