- Chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ là GDP tăng bình quân 6,5-7%/năm, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người 3.200-3.500 USD.

Báo cáo trước QH tại phiên khai mạc kỳ họp cuối của khóa 13 hôm nay, Chính phủ đánh giá thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của 5 năm qua là kiềm chế được lạm phát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 11,75% năm 2010 xuống 0,6% năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc QH. Ảnh: Hoàng Long

"Một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý giá đã từng bước được điều chỉnh cả về cơ chế và mức giá dần phù hợp với cơ chế thị trường", Phó Thủ tướng nói.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2015 đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra. GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.

Thu ngân sách nhà nước hàng năm đều vượt dự toán QH đề ra, chi giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với 2006-2010, nhưng cân đối NSNN giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do tác động không thuận từ kinh tế thế giới và trong nước.

"Bội chi NSNN cao hơn mức QH cho phép, năm 2015 khoảng 6,1% GDP. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP khoảng 62,2%, nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%", Phó Thủ tướng cho biết.

Chính phủ xác định quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển hài hòa, chú trọng phát triển chiều sâu, kinh tế tri thức, kinh tế xanh; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân...

Chỉ tiêu quan trọng là GDP tăng bình quân 6,5-7%/năm, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD.

Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình

Chính phủ đánh giá trong 5 năm qua có nhiều điểm phức tạp trong tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tác động bất lợi đến nước ta. 

{keywords}
Toàn cảnh phiên họp QH. Ảnh: Phạm Hải

Trong đó, sự căng thẳng trên Biển Đông đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, VN phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước.

5 năm qua, sự kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại đã đạt được kết quả tích cực trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định xã hội của đất nước; vận động và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lợi ích chính đáng của nước ta trong vấn đề Biển Đông, nhưng tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn.

Trong 5 năm tới, Chính phủ xác định phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Cùng với đó là tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước.

"Tăng cường nắm tình hình, dự báo an ninh chiến lược không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xây dựng đường lối quân sự của Đảng, chiến lược quốc phòng, an ninh trong tình hình mới", Phó Thủ tướng nói.

"Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hòa bình, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, khẩn trương hoàn thành phân định biên giới. Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ phù hợp với điều kiện của VN".

Chính phủ cũng xác định tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Các thể chế đối ngoại đa phương cần chú trọng là ASEAN, LHQ, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực.

Chung Hoàng