- UNICEF quan ngại rằng việc không chấp thuận nâng độ tuổi trẻ em lên 18 sẽ gây các tác động tiêu cực cho trẻ em.

Trẻ em gồm bất cứ ai dưới 18 tuổi. Đây là định nghĩa theo Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (CƯQTQTE) và cũng là định nghĩa của phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam đi tiên phong trên toàn cầu trong việc bảo vệ quyền trẻ em vì là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuyển Công ước vào năm 1990.

Vai trò lãnh đạo toàn cầu về quyền trẻ em của Việt Nam cũng được khẳng định lại với việc ban hành Chỉ thị 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2012 nhằm mục tiêu tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

{keywords}
Ông Youssouf Abdel-Jelil - Đại diện UNICEF tại Việt Nam

Nhờ vào tiến bộ trong công nghệ chụp quét não, các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy người dưới 18 tuổi chưa phải là người lớn trưởng thành đầy đủ.

Trên thực tế, phải đến đầu những năm 20 tuổi thì các bộ phận quan trọng nhất của não bộ chịu trách nhiệm về khả năng ra quyết định mới được hoàn thiện.

Điều này củng cố lý do căn bản là cơ sở cho định nghĩa quốc tế về trẻ em là người dưới 18 tuổi, và tạo những cơ hội then chốt nhằm giúp trẻ em từ 16 đến 18 tuổi bước vào lứa tuổi trưởng thành một cách thành công.

Sử dụng tuổi 18 trong định nghĩa trẻ em không đồng nghĩa với việc đòi hỏi pháp luật phải quy định 18 tuổi là ngưỡng tuổi cho mọi vấn đề liên quan đến trẻ em.

Trên cơ sở thừa nhận rằng trẻ em phát triển và trưởng thành dần dần theo thời gian, pháp luật quốc gia có thể đặt ra những ngưỡng tuổi khác nhau mà tại độ tuổi đó trẻ em được coi là có năng lực ra quyết định hoặc tham gia một số hoạt động nhất định. 

Ví dụ, luật quốc gia có thể quy định rằng trẻ em chỉ có thể điều khiển xe gắn máy khi đủ 16 tuổi, được tham gia vào công việc nhẹ ở tuổi 15, phải chịu trách nhiệm hình sự ở độ tuổi 14.

Tuy nhiên, với việc thừa nhận rằng các em chưa trưởng thành đầy đủ, tất cả mọi trẻ em dưới 18 tuổi đều có quyền được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, và cả cha mẹ lẫn chính phủ tiếp tục có trách nhiệm đặc biệt với các em cho đến khi các em đạt tuổi trưởng thành.

Với việc định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi, Việt Nam có thể mở rộng phạm vi bảo vệ quyền đối với tất cả các em và tránh được nguy cơ là trẻ em từ 16 đến 18 tuổi có thể bị lọt khỏi mạng lưới bảo vệ của pháp luật. Đó có thể là một em gái trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục đang cần chăm sóc hoặc một thiếu niên bị mồ côi cần được bảo vệ.

Luật Bảo vệ, Chăm sóc, và Giáo dục Trẻ em hiện hành của Việt Nam ban hành năm 2004 quy định rằng trẻ em quy định trong luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

Các đại biểu Quốc hội hiện đang thảo luận dự thảo luật Trẻ em, trong đó đề xuất quy định rõ rằng trẻ em là người dưới 18 tuổi. Việc chấp thuận đề xuất của dự thảo luật sẽ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế của CƯQTQTE mà Việt Nam phê chuẩn năm 1990, phù hợp với vị thế của quốc gia tiên phong trong khu vực và thế giới là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới.

UNICEF vô cùng quan ngại rằng việc không chấp thuận nâng độ tuổi trẻ em lên 18 sẽ gây các tác động tiêu cực cho trẻ em, khiến các em không được hỗ trợ và bảo vệ ở thời điểm quan trọng trong quá trình trưởng thành của mình.

Việt Nam đang ở thời điểm mang tính quyết định, và UNICEF tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vị trí tiên phong của mình về bảo vệ quyền trẻ em và sẽ chấp thuận quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền trẻ em.

Youssouf Abdel-Jelil - Đại diện UNICEF tại Việt Nam