Ngoại trưởng Philippines vừa cho
hay, nước này đã đề xuất ý tưởng với phía Trung Quốc nhằm nỗ lực giải quyết
tranh chấp Biển Đông thông qua sự phân xử của LHQ.
Philippines: Không cho phép nước lớn lấn lướt
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng, ông đã đưa ra đề xuất liên quan tới quần đảo Trường Sa với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh khi hai bên gặp nhau vào hôm thứ Sáu.
"Tôi đề xuất cần đi tới tòa án quốc tế về luật biển", ông Del Rosario nói trong một cuộc họp báo ở Manila. "Philippines đã chuẩn bị để bảo vệ quan điểm của mình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, của Công ước LHQ về Luật Biển và chúng ta đã yêu cầu họ nếu họ sẵn sàng làm như vậy”.
Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương hơn là đa phương, một chiến lược mà các nhà phê bình mô tả là cách thức “chia để trị”.
"Tôi không nghĩ rằng quan điểm của họ đã thay đổi”, ông del Rosario nói. "Trung Quốc duy trì cách tiếp cận song phương. Họ muốn vấn đề được thảo luận chỉ giữa các bên tuyên bố chủ quyền, chứ không phải ở một diễn đàn quốc tế”.
Trước đó, ngày 8/7, Ngoại trưởng Philippines đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì khi tới thăm Bắc Kinh. Chuyến thăm này nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho chuyến công du Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III (có thể vào cuối tháng 8 đầu tháng 9).
Hai nhà ngoại giao đã thảo luận về nhiều chủ đề bao gồm thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, hợp tác quốc phòng và phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia. Trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói: “Hai nước sẽ có những nỗ lực chung để giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong khuôn khổ của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Về quan điểm trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Tổng thống Philippines vẫn kiên định trong quan điểm của ông rằng, nước ông sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia bao gồm cả những lợi ích hàng hải, sử dụng “hệ thống dựa trên nguyên tắc cho đối thoại hòa bình, bình đẳng và có lợi, hướng tới một giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả”.
-
Thái An (Theo Reuters)