- Bầu nhân sự cấp cao, nghe báo cáo tình hình Biển Đông và xem xét lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ là những nội dung chính trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Dự kiến, dự án Luật Biển Việt Nam sẽ được thông qua trong nhiệm kỳ này.

Chiều nay (19/7), Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông tin về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13 sẽ khai mạc hôm thứ năm (21/7).

Cử tri trông đợi vào việc ĐBQH khóa mới sẽ sáng suốt bầu chọn bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước và Quốc hội. Ảnh: Phạm Hải
Tại kỳ họp kéo dài nửa tháng, các tân ĐBQH sẽ xem xét thông qua chương trình xây dựng luật năm 2012 và điều chỉnh chương trình làm luật năm 2011. Theo đó, dự án Luật Biển Việt Nam sau nhiều lần trì hoãn sẽ được Chính phủ trình để Quốc hội khóa 13 xem xét vào kỳ họp thứ hai, cuối năm nay.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Chính phủ sẽ gửi báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông vì đây là vấn đề đang được dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Báo cáo hoặc sẽ được gửi riêng để đại biểu tự nghiên cứu, hoặc sẽ được nghe trực tiếp trên hội trường. Việc ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông hoặc thảo luận rộng rãi trên hội trường sẽ phụ thuộc vào đại biểu.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc vào sáng 21/7, bế mạc ngày 6/8.

Dự kiến, các tân đại biểu sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội cũng sẽ quyết định phương án miễn, giảm, giãn một số loại thuế theo đề xuất của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đã đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân từ 1/8 năm nay đến hết năm 2012 với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân; miễn thuế thu nhập cá nhân từ 1/8 năm nay đến 31/12/2011 với các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc một trong biểu thuế thu nhập.

Như dự kiến của Thường vụ Quốc hội, trong hai ngày 22 và 23/7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban Thường vụ. Chiều 23/7, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu nhậm chức và điều khiển các phiên họp tiếp theo.

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngày 25/7 và bầu Thủ tướng vào chiều hôm sau.

Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thủ tướng sẽ phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.

Ngoài công tác nhân sự, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng thường trực báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không xem xét bất kỳ dự án luật nào.


Lê Nhung

Thủ tướng nào cũng muốn toàn bộ trưởng giỏi
Thủ tướng nào cũng muốn có một tập hợp các vị bộ trưởng giỏi, đủ năng lực, trình độ để tham mưu cho mình và để có một chính phủ mạnh...
 
Thư gửi ứng viên Chủ tịch nước và Thủ tướng
Năm 1946, Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị... Thiết nghĩ ứng viên Chủ tịch nước lần này cũng nên noi gương Người có một lời tuyên bố về bản thân mình như thế.
 
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội
Cần đổi mới công tác nhân sự ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới - chuyên gia Bùi Đức Lại.