Giá dầu duy trì ở mức trên 100 USD/thùng có thể làm gia tăng căng thẳng xung quanh chuyện kiểm soát Biển Đông - vùng biển được cho là giàu tài nguyên năng lượng chưa được khai thác.

Giá dầu Brent LCOc1 trong thời gian ngắn đã tăng trên 127 USD/thùng vào tháng 4 năm nay - mức cao nhất kể từ năm 2008 chỉ vừa trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính và duy trì trên mức 100 USD từ cuối tháng 1 khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và nguồn cung bị giảm do bất ổn ở Libya.

Ảnh minh họa: kwintessential
Động thái của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tháng 6 khi cho các quốc gia phát triển mở kho dự trữ dầu để kiềm chế giá dầu chỉ tạo ra hiệu ứng giảm giá tạm thời, xuống 102,28 USD ngày 27/6. Giá dầu Brent vẫn quanh quẩn ở mức 117 USD.

Trong khi giá dầu nổi tiếng bất ổn, thì các nhà phân tích thị trường danh tiếng đã nhìn thấy thực tế là, việc giá Brent luôn ở trên mức 100 USD/thùng và chênh lệch ngày càng lớn giữa cung - cầu toàn cầu… sẽ khiến cho nỗ lực thăm dò, khai thác tiềm năng dầu khí ở Biển Đông ngày một hấp dẫn với các quốc gia tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này.

"Giá dầu tăng cao là một động lực chính. Trung Quốc cần tiếp cận với nguồn dầu khí để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài khi sự phụ thuộc ấy thể hiện tính nguy hiểm trong chiến lược”, Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. "Đó là một phần giải thích vì sao căng thẳng ngày càng tăng trong 2-3 năm qua vì Trung Quốc cảm thấy các bên tuyên bố chủ quyền khác đơn phương lấy đi nguồn tài nguyên tự nhiên mà họ nghĩ là thuộc về mình”.

Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. 4 quốc gia Đông Nam Á khác gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với vùng biển này. Biển Đông là nơi có những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, giàu tài nguyên năng lượng và nguồn cá.

4 quốc gia kể trên đều là thành viên của ASEAN - cộng đồng tổ chức diễn đàn an ninh lớn nhất khu vực trong tuần này. Sự kiện diễn ra ở Bali, Indonesia dự kiến sẽ tập trung thảo luận về tranh chấp Biển Đông và cách hành xử gây hấn gần đây của Trung Quốc.

Sức hút dầu

Theo một báo cáo đưa ra vào tháng 3/2008 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), ước tính trữ lượng dầu đã được chứng minh và chưa được phát hiện ở Biển Đông vào khoảng 28 tỉ tới 213 tỉ thùng. Triển vọng lạc quan nhất là sẽ tương đương với khoảng 60 năm nhu cầu hiện tại của Trung Quốc.

"Trung Quốc coi Biển Đông như một Ảrập Xêút mới hoặc một El Dorado của dầu”, Storey nói.

Cục Khảo sát địa chất Mỹ năm ngoái ước tính, có khoảng 50% cơ hội rằng, khu vực này chứa đựng ít nhất 10,25 tỉ thùng dầu chưa được phát hiện, hầu hết là ở gần quần đảo Trường Sa. Về khí tự nhiên, Biển Đông thậm chí được coi là chứa đựng tiềm năng hứa hẹn hơn với khoảng 60-70% hydrocarbon của khu vực được cho là khí tự nhiên.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, có 50% cơ hội ở mức ít nhất 3,79 nghìn tỉ mét khối khí thông thường chưa được khám phá, tương đương với hơn 30 năm mức tiêu thụ hiện tại của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, bất cứ ước tính nào cũng chỉ là dự đoán và sẽ tiếp tục tới khi nhiều hoạt động thăm dò diễn ra. "Trong ngành dầu khí, tiềm năng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chỉ tới khi bạn khoan một lỗ và chứng minh có dầu, nếu không, bạn thực sự không thể nói gì”, Kang Wu, giám đốc điều hành hãng tư vấn Năng lượng Toàn cầu FACTS nói. "Tài nguyên tiềm năng và trữ lượng được chứng minh là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt”.

'Trung Quốc không thể đòi hỏi mọi thứ'

Với việc một số mỏ khai thác Đông Nam Á đang dần sụt giảm, áp lực thăm dò những khu vực mới, sâu hơn ở Biển Đông gia tăng, kéo theo sự gia tăng nguy cơ đối đầu xung quanh vấn đề chủ quyền.

Đầu năm nay, Việt Nam và Philippines đã cáo buộc Trung Quốc có hàng loạt hành động gây hấn như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, đe dọa đâm tàu hay bắn vào ngư dân.

Mặc dù căng thẳng leo thang, nhưng các nước vẫn tiếp tục đầu tư và cung cấp các lô dầu để nhiều công ty năng lượng thăm dò sâu hơn ở Biển Đông.

Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới đang nỗ lực một cách tuyệt vọng để thúc đẩy sản lượng dầu khí nội địa, nhằm tránh thiếu hụt năng lượng. Nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng tới 10,18 triệu thùng/ngày trong năm tới từ mức 9,7 triệu thùng trong năm nay (theo thống kê của IEA).

Các nhà phân tích hy vọng rằng, việc thăm dò dầu khí cuối cùng sẽ được phép ở những khu vực xảy ra tranh chấp nhiều nhất nhưng không qua xung đột quân sự mà bởi những thỏa thuận song phương hoặc đa phương. "Trung Quốc thực tế không thể đòi hỏi mọi thứ. Việc thúc đẩy cùng phát triển có thể là nghiêm túc khi Trung Quốc không thể tiếp tục làm tổn hại danh tiếng của mình bằng sự thù địch”, Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Australia nói.

Và bất kỳ một thỏa thuận chung nào giữa các bên tuyên bố chủ quyền sẽ cần có thời gian để đạt được.

  • Thái An (theo Reuters)

Biển Đông: Đường 9 đoạn làm thay đổi cục diện DOC
Ngoại trưởng Philippines nhận định đã có yếu tố thay đổi cục diện cần xem xét khi bàn về thực thi DOC.
 
Chủ tịch ASEAN quyết thúc đẩy quy tắc ứng xử Biển Đông
Sau 9 năm chúng ta vẫn chưa thống nhất được nội dung thực thi DOC. Mọi chuyện đâu cần phải chậm chạp đến vậy - Tổng thống Indonesia phát biểu khai mạc hội nghị Bộ trưởng ASEAN.
 
TQ khăng khăng giải pháp song phương cho Biển Đông
Trung Quốc tuyên bố tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết theo con đường song phương giữa lúc các giải pháp đa phương được nhiều quan chức Đông Nam Á thúc đẩy.