- Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra tuyên bố chủ quyền với bằng chứng pháp lý.
Theo bình luận của hãng Reuters, đây là một thách thức đối với Trung Quốc khi nước này tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. "Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên làm rõ những tuyên bố của họ ở Biển Đông trong điều kiện phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Clinton tuyên bố tại hội nghị an ninh lớn nhất của châu Á, ARF.
"Tuyên bố với không gian hàng hải ở Biển Đông chỉ nên xuất phát từ tuyên bố chủ quyền hợp pháp với đặc điểm đất liền”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc và 4 nước ASEAN - Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam - đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất, với bản đồ hình chữ U bao trùm hầu hết Biển Đông. Trong khi đó, Washington đã không ngại ngần chọc giận Bắc Kinh với tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia trong đảm bảo tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông.
Gần đây nhất, phản ứng với việc một đoàn nghị sĩ ra thăm hòn đảo mà họ nói thuộc chủ quyền của Philippines, Trung Quốc đã khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với Biển Đông kể từ thời xa xưa.
Phân định chủ quyền theo luật quốc tế
Bắc Kinh hôm thứ năm đã nhất trí tiến hành những bước đi sơ bộ với các quốc gia Đông Nam Á để thiết lập một bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông. Động thái này được Ngoại trưởng Clinton cho rằng có thể làm dịu căng thẳng gần đây trong khu vực khi Việt Nam và Philippines chỉ trích mạnh mẽ các hành động gây hấn của Trung Quốc trong phạm vi chủ quyền hai nước.
Trung Quốc nói muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong khi vẫn
duy trì các tuyên bố chủ quyền lịch sử với toàn bộ vùng biển trải dài tới tận bờ
biển của một số nước Đông Nam Á.
|
Trước đó, Philippines khẳng định, tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra không có giá trị pháp lý theo luật quốc tế.
Các quan chức Mỹ cho rằng, có những bên tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực một cách quá mức, và có những bên thiên về tuyên bố chủ quyền dựa trên tiền lệ lịch sử chứ không phải các đặc điểm đất liền.
Theo tin từ Bangkokpost, tại ARF, Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo về tình hình căng thẳng Biển Đông. "Mỹ lo lắng rằng, những sự cố gần đây ở Biển Đông đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực mà tại đó, những tiến bộ đáng kể của châu Á - Thái Bình Dương đã được xây dựng”. Bà nói: "Những sự cố này gây nguy hiểm cho an ninh biển, leo thang căng thẳng, xói mòn tự do hàng hải và đặt ra sự rủi ro với thương mại hợp pháp không bị cản trở cũng như phát triển kinh tế”.
Tôn trọng tự do hàng hải, thương mại hợp pháp
Trong tháng 6, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario khi ông tới thăm Mỹ, Ngoại trưởng Clinton khẳng định: "Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, Mỹ có một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm này không chỉ với các thành viên ASEAN mà còn với những quốc gia hàng hải khác trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn”.
"Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Tại Bali tuần này, bà Clinton đã nói với các đại biểu trong đó có Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì rằng, tất cả các bên cần tôn trọng tự do hàng hải và hoạt động hàng không ở lộ trình thương mại quan trọng trong Biển Đông và tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc nói muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong khi tuyên bố duy trì các tuyên bố chủ quyền lịch sử với toàn bộ vùng biển trải dài tới tận bờ biển của một số nước Đông Nam Á.
Hôm qua, Ngoại trưởng Clinton và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hội đàm song phương và có thảo luận về căng thẳng Biển Đông. Hai bên đều mô tả đó là cuộc hội đàm tích cực. Mặc dù vậy, theo lời người phát ngôn của ông Dương, ông này đã nói với bà Clinton rằng, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc không phải là chuyện của Washington.
Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN
trước đó đã nhất trí về việc đưa ra các hướng dẫn thực thi cho một bộ quy tắc
hành xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines phàn nàn rằng, tài liệu này thiếu ăn
khớp, còn Ngoại trưởng Mỹ thì coi đó chỉ là “một bước đi đầu tiên quan trọng”
tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng.
Thái An