Ông Surin Pitsuwan tương đối hài lòng với kết quả làm việc của AMM44, trong đó trung tâm chú ý là Bản hướng dẫn thực thi DOC được chờ đợi suốt 8 năm rưỡi. Cuối cùng nó đã được thông qua, việc này có ý nghĩa hơn một trang giấy với 8 điều khoản vì nó phản ánh tinh thần hợp tác, bằng chứng về việc ASEAN có khả năng điều hòa sự khác biệt trong khu vực.
"Điều này rất quan trọng vì Đông Nam Á đang trở thành một trung tâm tăng trưởng mới, đã trở nên quan trọng hơn trước thế giới so với cách đây 10 năm. Đó cũng là một 'dấu hiệu trưởng thành' khi chúng ta đã thẳng thắn đối mặt với những vấn đề mà chúng ta từng né tránh, nhất là những vấn đề an ninh giữa các nước thành viên".
Kiên trì với những cam kết đã đạt được
Bản hướng dẫn thực thi DOC đã được thông qua, tuy vậy, nó vẫn chưa làm hài lòng tất cả, đơn cử Philippines vẫn kiên trì đưa ý kiến phải phân định rõ các vùng biển có tranh chấp và không có tranh chấp?
Vẫn có những khác biệt giữa các nước ASEAN, nhưng các nước đã đồng thuận về yêu cầu phải tiến lên phía trước để giải quyết những vấn đề quan trọng hơn có lợi cho tất cả. Không phải 10 nước ASEAN đều liên quan đến vấn đề Biển Đông, song tất cả đã đóng góp vào một khuôn khổ mà 4 nước ASEAN liên quan và Trung Quốc có thể áp dụng.
Ông Surin Pitsuwan: ASEAN mong muốn trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh. Ảnh: Thủy Chung |
Kết quả là chúng ta đã có một nhận thức chung về DOC cũng như một tinh thần chung trong việc thúc đẩy sự ra đời của COC.
Đề xuất của Philippines là một đóng góp quan trọng cho cuộc thảo luận, và đó cũng là những điều cần được làm rõ: phân định biên giới, phân định lãnh thổ trên biển, sự khác nhau giữa các vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa, vùng khai thác riêng và vùng khai thác chung. Đó có thể là những bước tiếp theo của tiến trình này.
Song phương hay đa phương?
Để giải quyết vấn đề, biện pháp song phương như Trung Quốc khăng khăng hay biện pháp đa phương có vai trò của ASEAN là sự lựa chọn?
Hai phương án này không loại trừ lẫn nhau.
ASEAN cung cấp khuôn khổ, sự ủng hộ nếu các nước thấy cần, ASEAN cung cấp tiêu chí, môi trường để các nước đàm phán các vấn đề khác biệt một cách hòa bình. Và rõ ràng là ASEAN có thể đóng góp một vài giá trị, ảnh hưởng đối với tiến trình này.
Điều quan trọng là các nước phải ngồi lại với nhau, ASEAN sẽ ở đó để nhắc họ nhớ rằng vấn đề này ảnh hưởng đến tất cả, vì thành viên ASEAN đều là các nước xuất nhập khẩu qua vùng biển này, các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, châu Âu, Trung Đông cũng vậy, đều quan tâm.
Vậy quyết tâm của Philippines đưa việc tranh chấp chủ quyền giữa họ và Trung Quốc ra tòa quốc tế có làm giảm vai trò của ASEAN?
Không hề. Mỗi quốc gia đều có đầy đủ quyền theo đuổi cách làm của riêng mình, miễn là một cách hòa bình và tôn trọng các thỏa thuận chung. Khi không thể thống nhất, có thể ra tòa, những tòa án phù hợp.
Trong mọi trường hợp, mong muốn tìm cách giải quyết song phương, tìm lực lượng trung gian, tìm sự giúp đỡ từ các thể chế mà cả hai bên đều tôn trọng và có thể đưa ra giải pháp chấp nhận được cho các khác biệt, đều là hợp lý.
ASEAN chỉ lo ngại nếu những cách này dẫn đến căng thẳng gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên.
ASEAN có thể tự giải quyết vấn đề của mình
Ông nghĩ thế nào về sự quan tâm, chú ý rất lớn mà thế giới đang dành cho tình hình Biển Đông?
Cộng đồng quốc tế có thể tỏ thái độ, nêu quan điểm, song các nước trong khu vực hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề giữa họ với nhau.
Sự quan tâm của bên ngoài đối với vấn đề này chắc chắn có tác động ít nhiều đến tất cả chúng ta, khiến ASEAN thấy được sự cần kíp phải hoàn thành những gì chúng ta đang làm, vì chúng ta cần lòng tin, đầu tư và quan hệ thương mại với thế giới. Họ cần thấy sự an toàn về hàng hải, về du lịch, để làm ăn kinh doanh.
Chúng ta cần sự ủng hộ và khuyến khích của họ, và chắc chắn họ sẽ làm thế, nhưng tình hình này không cần có những lực lượng bên ngoài can thiệp vào, tự chúng ta sẽ đảm bảo tình hình không trở nên phức tạp và căng thẳng đến mức không kiểm soát được và gây tổn thương cho các bên.
Tại cuộc họp báo ngày 18/7, Ngoại trưởng Indonesia nhận định rằng khu vực ASEAN đang ngày càng thiếu ổn định và bị chia rẽ. Ông có ý kiến như thế nào?
Tôi tin rằng tất cả chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy sự đoàn kết trong khu vực, bản thân Ngoại trưởng Indonesia cũng nói ASEAN đang hướng đến những mục tiêu xa hơn năm 2015, để có một vị thế chung trước những thách thức toàn cầu.
ASEAN kiên trì mong muốn tạo dựng một thị trường chung, trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh, nơi 600 triệu người dân cảm thấy họ đang sống trong một cộng đồng, một đặc tính ASEAN chứ không phải là các quốc gia riêng rẽ.
Tất nhiên, có những thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, nhưng đó chính là lý do ASEAN gặp nhau ở đây, để mong đạt được những điều mà chỉ một vài nước thì không làm được.
Thủy Chung (ghi từ
Bali)