Giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng về chủ quyền ở Biển Đông, Tổng thống Benigno Aquino III  tuyên bố , Philippines sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ bằng cách mua sắm thêm nhiều vũ khí.

"Chúng tôi không muốn gia tăng căng thẳng với bất cứ ai, nhưng chúng tôi phải để thế giới biết rằng, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ những gì là của mình”, ông Aquino nói trong Thông điệp quốc gia hàng năm đọc trước quốc hội Philippines hôm qua (25/7).

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III: Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ những gì là của mình. Ảnh: Reuters

Ông Aquino không đề cập tới Trung Quốc - nước đưa ra tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông và cũng là bên bị cả Việt Nam và Philippines cáo buộc có những hành động gây hấn tại khu vực mà hai nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, rõ ràng là lãnh đạo Philippines đã đề cập tới sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của châu Á khi ông nói tới Recto Bank - quốc tế gọi là Reed Bank - thuộc chủ quyền của Philippines (thậm chí một khu phố sầm uất ở Manila cũng mang cái tên này).

"Đã có lúc chúng ta có thể phản ứng không thích hợp với những mối đe dọa ở sân sau của chúng ta. Giờ đây, thông điệp của chúng tôi với thế giới là rõ ràng: Những gì của chúng ta là của chúng ta, đặt chân trên Recto Bank không khác gì so với đặt chân trên Đại lộ Recto”, ông Aquino nhấn mạnh.

Ông cho hay, chiếc tàu lớn lớp Hamilton mà nước này mua từ Mỹ đã trên đường tới Philippines. "Chúng ta có thể mua sắm thêm nhiều tàu nữa trong tương lai, rồi cả trực thăng và máy bay tuần tra, các loại vũ khí…”.

Philippines đã nhiều lần cáo buộc lực lượng Trung Quốc liên tiếp xâm nhập vào các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền ở trong và gần quần đảo Trường Sa từ tháng 2, trong đó có Reed. Đáp trả lại, quan chức Trung Quốc lớn tiếng phủ nhận hành vi xâm nhập và nói đó là các vùng biển thuộc về Trung Quốc.

Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei. Đây là vùng biển được cho là giàu tài nguyên dầu khí.

Trước đó, Philippines tuyên bố ý định đem vấn đề tranh chấp Biển Đông ra Tòa án Quốc tế về Luật biển. Trung Quốc phản đối điều này và muốn thay vào đó là đàm phán song phương.

Tiếp cận điềm tĩnh và kiên nhẫn

Theo ông Aquino, mang vấn đề ra trước quốc tế sẽ đảm bảo rằng “tất cả các quốc gia liên quan tiếp cận tranh chấp một cách điềm tĩnh và kiên nhẫn”. Vào ngày 20/7, một nhóm nghị sĩ Philippines đã có chuyến viếng thăm hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền ở khu vực tranh chấp.

Chuyến viếng thăm một ngày đã khiến người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines tuyên bố, Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về chuyến đi.

Hôm chủ nhật, trong cuộc gặp với các quan chức châu Á ở Bali, Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ đã cảnh báo, tranh chấp Biển Đông đe dọa phá vỡ một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Bà nói, sự gia tăng của các hành động “hăm dọa, cắt cáp, đụng độ … hay kiểu như vậy sẽ gia tăng chi phí hoạt động cho tất cả mọi người”, bà Clinton nói. "... Điều quan trọng với chúng tôi là ủng hộ tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở”.

Tại Bali, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã nhất trí về dự thảo hướng dẫn cách hành xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines nói rằng, điều khoản trong dự thảo không ăn khớp thậm chí các hướng dẫn sẽ là vô nghĩa.

Hôm 23/7 - thời điểm kết thúc các hội nghị an ninh châu Á kéo dài 5 ngày ở Bali, Indonesia, ông del Rosario cho biết, Philippines sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông và coi đó như một phép thử cho thỏa thuận khu vực đạt được với Trung Quốc tuần trước nhằm làm dịu căng thẳng ở vùng biển giàu tài nguyên này.

Các nguồn tài nguyên hydrocarbon thuộc chủ quyền của Philippines rất cần thiết với chiến lược năng lượng của nước này, ông Rosario nhấn mạnh: “Nếu có những tài sản đó, và chúng tôi tin là có, chúng tôi cần phát triển chúng. Nhu cầu phát triển những tài sản ấy của chúng tôi lớn hơn Trung Quốc, Trung Quốc có thể chờ đợi. Họ có sự kiên nhẫn còn chúng tôi không có thứ xa xỉ ấy. Chúng tôi phải tiến về phía trước”.

Trước chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng del Rosario, Tổng thống Philippines tuyên bố vẫn kiên định quan điểm rằng, nước ông sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia bao gồm cả những lợi ích hàng hải, sử dụng “hệ thống dựa trên nguyên tắc cho đối thoại hòa bình, bình đẳng và có lợi, hướng tới một giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả”.

Ông khẳng định: “Không ai muốn một cuộc xung đột, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ cho phép một nước lớn hơn lấn lướt chúng ta. Nếu chúng ta để cho mình bị bắt nạt thì có thể thế hệ người Philippines tiếp theo sẽ chen chúc trên một hòn đảo. Nếu chúng ta cho phép mình bị gạt sang bên, thì có thể ngày mai, 7.100 hòn đảo của chúng ta sẽ chỉ còn hai con số”.

Thái An (theo Todayonline)


Thử TQ, Philippines tiếp tục thăm dò dầu khí Biển Đông
Philippines sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông và coi đó như một phép thử cho thỏa thuận khu vực đạt được với Trung Quốc tuần trước nhằm làm dịu căng thẳng ở vùng biển này.
 
TQ 'nổi đóa' với chuyện nghị sĩ Philippines thăm Trường Sa
Hôm nay, 5 nghị sĩ Philippines dự kiến sẽ tới thăm quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Trung Quốc nói kế hoạch này có thể làm tổn hại tới quan hệ song phương.
 
Mỹ đưa ra nghị quyết giúp Philippines nếu bị gây hấn
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã hoan nghênh một nghị quyết được đệ trình lên quốc hội Mỹ về việc cho phép Washington được giúp nước này trong thời điểm bị nước ngoài gây hấn.
 
Quân đội Philippines nhận lệnh cảnh giác cao độ ở Biển Đông
Tổng thống Aquino lệnh cho quân đội ở biển Tây Philippines (Biển Đông) cảnh giác cao độ và tiếp tục bảo vệ các vùng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.