Philippines sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông và coi đó như một phép thử cho thỏa thuận khu vực đạt được với Trung Quốc tuần trước nhằm làm dịu căng thẳng ở vùng biển giàu tài nguyên này, Ngoại trưởng Albert F. del Rosario nói.
Các nguồn tài nguyên hydrocarbon thuộc chủ quyền của Philippines là rất cần thiết với chiến lược năng lượng của nước này, ông Rosario nói trong một cuộc phỏng vấn.
Một ngày trước đó, Ngoại
trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh báo rằng, đụng độ gia tăng trong khu vực là
mối đe dọa tới các tuyến đường biển “hoàn toàn cần thiết” với thương mại thế
giới.
Trong khi
đó, Trung Quốc định đưa giàn khoan khổng lồ Marine Oil 981 ra Biển Đông Ảnh:
interaksyon
Động thái của Philippines nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên năng lượng đi ngược lại với những mong muốn của một nền kinh tế và nhà chi tiêu quân sự lớn nhất châu Á. Ngoại trưởng Del Rosario đưa ra bình luận sau khi Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN nhất trí về những chỉ dẫn không mang tính ràng buộc cho hoạt động ở Biển Đông và dẫn tới lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ về một bộ quy tắc ứng xử toàn diện hơn và mang tính ràng buộc.
“Đó chỉ là bước đi đầu tiên”, bà Hillary Clinton nói. “Cần hành động nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Vài tháng gần đây, các tàu Trung Quốc đã cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam khi tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Trong tháng 3, tàu Trung Quốc đã quấy nhiễu tàu làm việc cho Forum Energy Plc tại Anh ở ngoài khơi Philippines.
Đường 9 đoạn
Hầu hết các bên tuyên bố chủ quyền đều có quân đội ở Trường Sa, quần đảo với tổng diện tích đất gấp rưỡi công viên Trung tâm của New York. Philippines đã chi số tiền tương đương khoảng 1% ngân sách của Trung Quốc cho quân đội của mình trong năm ngoái, theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ở Brussels.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với báo giới ngày 22/7 rằng, thỏa thuận nhất trí giữa Trung Quốc và ASEAN “sẽ còn con đường dài phía trước để duy trì hòa bình và ổn định và láng giềng tốt”. Ngoài Trung Quốc là nước tuyên bố chủ quyền lớn nhất ở Biển Đông, các thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng đều đưa ra tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.
Philippines “đã đi cùng với cộng đồng” trong việc nhất trí thỏa thuận trên cho dù e ngại bởi nó không mang tính ràng buộc và không xác định một lĩnh vực cụ thể, ông del Rosario nói. Thỏa thuận ấy có lợi cho Trung Quốc vì nó vẫn duy trì nguyên trạng, ông nhấn mạnh.
“Trừ phi Trung Quốc không thách thức với bản đồ 9 đoạn - cách hiệu quả để họ tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông, thì vẫn có thể xảy ra những rủi ro cho tự do hàng hải” với những nước khác, Ngoại trưởng Philippines cảnh báo. “Tôi không biết các chỉ dẫn ấy sẽ làm việc thế nào trong thực tế. Rủi ro đụng độ vẫn còn”.
Bản đồ mà Trung Quốc đưa ra bao gồm cả hai trong số 15 lô thăm dò mà Philippines đưa ra cho các nhà thầu tháng trước. 3 tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Rene Almendras cho biết, chính phủ nước này có thể cung cấp nhiều hợp đồng thăm dò cho các công ty tư nhân tìm kiếm dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông.
Philippines, với nền kinh tế bằng khoảng 1/30 Trung Quốc, có kế hoạch gia tăng dự trữ hydrocarbon lên 40% trong hai thập niên tới để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trữ lượng dầu khí
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Đây là một hình thể biển lớn nhất sau 5 đại dương. Các đảo ở Biển Đông có số lượng nhiều, tập hợp thành một số quần đảo. Rất nhiều trong số này là các đảo chìm, đảo đá không có người ở.
Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Tờ báo này không trích dẫn nguồn nào của ước tính trữ lượng dầu và khí tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, báo dẫn lời Trương Đại Vệ - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai - Tài nguyên Trung Quốc, khi nói rằng, việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là "chìa khóa" để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, Trung Quốc đã từng cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở khu vực tranh chấp trong vùng biển này, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
Ngày 24/5, Tân hoa xã đưa tin,
tại Thượng Hải, một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000m đã
được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà
sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất nước này. Giàn khoan dầu khổng lồ này dài
114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn. Với kích cỡ mặt sàn bằng sân bóng
đá chuẩn, giàn khoan này có khả năng hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m
và khoan khoảng 12.000m chiều dài.
Thái An (theo Bloomberg)