Với ngành công nghiệp đường sắt
cao tốc của Nhật Bản, vụ đâm tàu thảm khốc ở Trung Quốc mới đây không có gì đáng
bất ngờ thực sự.
Ảnh AP
Những người đứng sau Shinkansen của Nhật Bản - loại tàu chưa từng có một vụ tai nạn chết người nào kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 1964, đã bị thua thiệt nhiều khi họ trao công nghệ cho Trung Quốc.
Sau thời gian hợp tác ở những dự án ban đầu, họ nói rằng, Trung Quốc đã lấy trộm công nghệ của họ và gạt họ ra ngoài lề khi nỗ lực thiết lập một mạng lưới cao tốc rộng khắp đất nước cũng như đặt ra tham vọng xuát khẩu đường sắt cao tốc.
Trong sự trải nghiệm chua xót ấy, các nhà chế tạo Nhật Bản đã lớn tiếng cảnh báo về mức độ an toàn và nghi ngờ về thực tiễn cũng như hiệu quả hoạt động của Trung Quốc khi họ rút khỏi mọi sự hợp tác với nước này.
Những cảnh báo đưa ra còn bị nhìn nhận một cách hoài nghi khi Trung Quốc phát triển bùng nổ những kế hoạch xây dựng các mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, thì vụ tai nạn thảm khốc mới đây đã chứng tỏ rằng, các lời cảnh báo thực sự đáng lo ngại thế nào.
Vụ đâm tàu và những bối rối hậu thảm hoạ có thể làm tiêu tan những giấc mơ cạnh tranh trên vũ đài toàn cầu của Trung Quốc, và nghiêng cán cân trở lại về các công ty Nhật Bản, Pháp, Canada, Đức trong cuộc chiến giành các hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc ở thế giới đang phát triển cũng như Mỹ.
Trung Quốc đã nối lại dịch vụ này mặc dù một cuộc điều tra mới chỉ bắt đầu.
Dự án giá rẻ
Các chính phủ từ Trung Đông tới Nam Mỹ từng bị cuốn hút với chào mời giá rẻ từ Trung Quốc cho các dự án đường sắt, giờ đây phải đối mặt với những quyết định khó khăn.
Vụ tai nạn xảy ra cách đây hơn hai tuần khi một đoàn tàu cao tốc đâm vào phía sau một đoàn tàu cùng loại khác khi con tàu dừng lại giữa đường vì mất điện do sét đánh.
Tai nạn làm gần 40 hành khách tử nạn, và chính quyền Trung Quốc được cho là đã lập tức thực hiện các biện pháp che giấu nguyên nhân vụ việc như là chôn vùi các toa tàu hỏng hóc, sa thải một số quan chức bao gồm cả người đứng đầu cục đường sắt Thượng Hải.
Vụ tai nạn là diễn biến mới nhất trong hàng loạt vấn đề xảy ra với mạng lưới cao tốc 16.000km trị giá nhiều tỉ đô la, trong đó nổi trội là các cáo buộc tham nhũng.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, con tàu đang vận hành có liên quan tới tai nạn dường như là một phiên bản sao chép Trung Quốc từ Hayate Shinkansen (tàu đầu đạn) của tập đoàn Kawasaki Heavy Industries, Nhật Bản.
Hãng Kyodo của Nhật trong tuần qua thông báo rằng, tốc độ tối đa của loại tàu này vào khoảng 200km/h - 275km/h để đảm bảo an toàn, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu vận hành dịch vụ đạt tới 350km/h ở một số lộ trình. Sau khi biết được điều này, Kawasaki Heavy cho biết, họ đã có được một bức thư đảm bảo từ Trung Quốc rằng, công ty Nhật “sẽ không chịu trách nhiệm gì” nếu xảy ra tai nạn liên quan tới tốc độ.
Mô hình tàu đầu đạn được phát triển ở Trung Quốc trong sự hợp tác với Kawasaki Heavy Industries, trước khi sự hợp tác chấm dứt bởi những cáo buộc Trung Quốc sao chép thiết kế của Kawasaki.
Trung Quốc đã khiến người Nhật và những đối tác châu Âu nổi giận khi giờ đây đang nỗ lực tạo ra những gì mà giới phê bình nói rằng hoàn toàn mô phỏng các phiên bản của Shinkansen và những mô hình tàu cao tốc khác.
Bỏ qua chuẩn an toàn
Năm ngoái, phụ trách Công ty đường sắt miền Trung Nhật Bản, chịu trách nhiệm vận hành tuyến Tokyo đến Osaka, đã đưa ra dự đoán kỳ lạ về điều có thể xảy ra với các dự án phát triển đường sắt một cách nhanh chóng của Trung Quốc. "Tôi không nghĩ rằng họ chú ý tới mức độ an toàn như chúng tôi đã làm”, Yoshiyuki Kasai nói. "Đẩy nó tới một gần giới hạn là điều chúng tôi không bao giờ làm”.
Tháng 4 năm trước, Kasai đã không tham gia bỏ thầu bất cứ dự án nào ở Trung Quốc vì e ngại công nghệ của công ty sẽ bị đánh cắp, và quan điểm này trở thành cách nhìn gần như phổ biến ở Nhật Bản.
Nhiều người Nhật – vốn khá thận trọng bày tỏ quan điểm trước tai hoạ của người khác – có cách nhìn rằng, mặc dù Trung Quốc sao chép công nghệ chủ chốt của tàu đầu đạn, thì một trong những điều họ không chú ý tới là hệ thống an toàn. Chuyên gia đường sắt Seiji Abe, Đại học Kansai, nhấn mạnh, nếu Trung Quốc áp dụng hệ thống ATC được sử dụng khắp Nhật Bản, thì tàu có thể tự động dừng lại khi sự cố có thể xảy ra.
Theo ông, hệ thống ATC bao gồm cả khả năng chống sét, tính năng dường như cũng bị Trung Quốc lãng quên. Giáo sư Abe, người còn đảm nhận vị trí một nhà điều tra tai nạn đường sắt cho rằng, ông không nghĩ các công ty Nhật sẽ bị ảnh hưởng tiếng tăm vì rõ ràng là các tàu trong vụ tai nạn ở Trung Quốc là phiên bản sao chép, và có thể một tàu trong đó không bao gồm các tính năng an toàn cần thiết.
Tuy nhiên, Nghiêm Trúc, một giáo sư Trung Quốc từ Đại học Takushoku của Nhật – nhà đàm phán giữa hai nước trong các thoả thuận đường sắt cao tốc, nói rằng, con tàu trong vụ tai nạn được uỷ quyền sao chép từ một thiết kế Nhật Bản mà phía Trung Quốc đã trả mức phí thích hợp để có giấy phép.
Ông nói rằng các tàu Trung Quốc được cấp bằng sáng chế, có thể chạy tới 380km/h giữa Bắc Kinh và Thượng Hải, là những phiên bản nhanh hơn nhiều thiết kế Hayate Shinkansen của Nhật và quyền sở hữu trí tuệ được coi là hợp pháp trong thiết kế ở Trung Quốc cho phép đạt tốc độ lớn hơn. "Nhật Bản sẽ thua thiệt nếu không tham gia phát triển các tàu này”, ông nói. "Ý nghĩ Trung Quốc lấy trộm công nghệ là lối tư duy không chín chắn”.
Ông này thừa nhận Trung Quốc có thể không áp dụng hệ thống an toàn ATC nhưng lập luận rằng, sai sót có thể liên quan tới thiết kế tàu của Nhật. Dĩ nhiên Nhật Bản phản đối điều này với lý do chính là 47 năm hoạt động chưa xảy ra tai nạn chết người nào.
Trong khi đó, mạng lưới cao tốc của Trung Quốc mới chỉ vận hành được bốn năm và các nhà điều hành tay đã “nhúng máu” của 39 hành khách.
Thái An (theo theaustralian)