Các kế hoạch mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc trên khắp đất nước Trung Quốc càng bị nghi ngờ sau vụ tai nạn thảm khốc làm ít nhất 36 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Thịnh Quang Tổ đã xin lỗi các nạn nhân trong vụ tai nạn xảy ra hôm thứ bảy và gia đình của họ. Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh nói, có hai công dân Mỹ nằm trong số người tử nạn.
Hiện
trường vụ tai nạn Ảnh: news.cn
Vụ việc xảy ra khi một tàu đầu đạn đi từ thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang tới phía nam, bị mất điện vì sét đánh, đã dừng lại và bị một đoàn tàu khác đâm từ phía sau tại thành phố Ôn Châu. Kể từ năm 2008, đây là vụ tai nạn đường sắt thảm khốc nhất ở Trung Quốc. Sáu toa bị trật bánh và bốn toa rơi xuống khoảng 20-30 mét từ một chiếc cầu cạn. Hơn 190 người bị thương.
Bộ Đường sắt và quan chức Chính phủ Trung Quốc không giải thích vì sao con tàu thứ hai dường như không được cảnh báo có một tàu khác ngừng lại trên đường. Một chuyên gia nói rằng, vụ việc có thể do lỗi của con người.
"Tôi nghĩ vấn đề có thể đến từ sai lầm trong quản lý phát đi tín hiệu thay vì trục trặc kỹ thuật”, Kỳ Khởi, một giáo sư ở Viện nghiên cứu giao thông tại Đại học Công nghệ Bắc Kinh nói. "Hệ thống nên có khả năng phát đi tín hiệu cảnh báo tự đông, thậm chí là dừng tàu trong trường hợp này”.
Tai nạn xảy ra là cú hích mới nhất vào các tham vọng tàu đầu đạn Trung Quốc. Được coi là biểu tượng thể hiện sự giàu có và sức mạnh công nghệ đang trỗi dậy của Trung Quốc, dự án tàu cao tốc của nước này được sánh ngang với chương trình phát triển không gian. Bắc Kinh có kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc - vốn đã lớn nhất thế giới - để kết nối tới vùng sâu, vùng xa, thậm chí còn cố gắng bán tàu cao tốc sang châu Mỹ Latinh và Trung Đông.
Tháng trước, Trung Quốc đã tổ chức lễ khai trương ồn ã cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải với những đoàn tàu có thể đạt tốc độ tối đa 300km/h. Tuy nhiên, vận tốc này đã giảm hơn so với kế hoạch ban đầu là 350km/h vì những lo ngại an toàn.
Chưa đầy bốn tuần hoạt động, tình trạng mất điện và những trục trặc khác đã xảy ra với một tuyến đường dài hơn 1.300km. Trước đó, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã xin lỗi về những vấn đề này và nói rằng, các cơn bão gió mùa hè là nguyên nhân trong một số trường hợp.
Xuất khẩu tàu đầu đạn
Trung Quốc đặt ra kế hoạch phát triển mạng lưới tàu cao tốc lên tới 13.000km trong năm nay và 16.000km năm 2020.
Các tàu của Trung Quốc dựa trên công nghệ Nhật Bản, Pháp và Đức. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đang cố gắng bán tàu sang châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Điều này dẫn tới chỉ trích rằng, Bắc Kinh đã vi phạm tinh thần của giấy phép với các nhà cung cấp nước ngoài khi bán lại công nghệ mà lẽ ra chỉ được sử dụng tại Trung Quốc.
Tai nạn hôm thứ bảy liên quan tới tàu đầu đạn thế hệ đầu tiên, khai trương năm 2007 và đạt vận tốc tối đa 250km/h - thấp hơn so với các đoàn tàu mới sẽ nối Bắc Kinh - Thượng Hải. Thảm họa khiến cổ phiếu của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc giảm 7,7%.
Ba quan chức cao cấp của Cục Đường sắt Thượng Hải đã bị sa thải sau vụ tai nạn, và các phương tiện truyền thông không ngừng đặt ra câu hỏi về sự an toàn vận hành tàu, đặc biệt mỗi năm những con tàu này vận chuyển hàng trăm triệu người.
Trong bài báo có tiêu đề “Bài học tai nạn cho sự tiến bộ của ngành đường sắt”, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng, vụ việc nên là “bài học xương máu cho toàn bộ công nghiệp đường sắt của Trung Quốc". Theo tác giả, vụ va chạm đặt ra những dấu hỏi lớn về kế hoạch mở rộng đường sắt cao tốc của Trung Quốc vì nước này “thiếu kinh nghiệm” khi tìm cách gia nhập thứ hạng cao của kỹ thuật đường sắt thế giới. Bài báo nhấn mạnh, đường sắt cao tốc Trung Quốc đã trở thành “mục tiêu mới nhất của chỉ trích công luận”.
Thái An (Theo chron)