- Theo chương trình làm việc, chiều nay (4/8), Chính phủ sẽ trực tiếp báo cáo trước Quốc hội về tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của Việt Nam.

Trước đó, tiếp thu đề xuất của nhiều đại biểu cũng như ý kiến cử tri, Quốc hội đã đưa vào chương trình của kỳ họp đầu tiên nội dung Chính phủ gửi báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông vì đây là vấn đề đang được dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm.

Thủ tướng đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan, chuẩn bị báo cáo tình hình Biển Đông để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Theo chương trình nghị sự, Quốc hội không có nội dung thảo luận riêng về Biển Đông, nhưng các đại biểu có thể nêu ý kiến tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Việc có ra nghị quyết hay không cũng phụ thuộc vào đề xuất của đại biểu.

Quốc hội không có nội dung thảo luận riêng về Biển Đông, nhưng các đại biểu có thể nêu ý kiến tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngay sau khi nhậm chức đã bày tỏ khi tới chương trình Quốc hội bàn về Biển Đông, ông sẽ thể hiện thái độ của mình với tư cách đại biểu. "Các bạn cứ yên tâm một điều là lúc đó tôi sẽ có trao đổi về vấn đề Biển Đông", ông Sang nói khi trò chuyện bên lề với báo chí.

Trước đó, phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh "vấn đề chủ quyền biển đảo với bất cứ quốc gia nào cũng là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bất cứ quốc gia nào dù to, nhỏ cũng đều có nhận thức chung như vậy".

Thủ tướng tái đắc cử Nguyễn Tấn Dũng sáng qua cũng đã cam kết "triển khai kiên định và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, chủ động ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch".

Về phần mình, ngay sau khi được Quốc hội thông qua để trở thành tân Bộ trưởng Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh cũng bày tỏ quan điểm: "Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của đất nước, là lợi ích của dân tộc... Trong giải quyết vấn đề Biển Đông, chúng ta thừa nhận là có những tranh chấp, phải giải quyết thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở Công ước quốc tế về luật biển cũng như tuyên bố các bên về Biển Đông, tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử và quan trọng nhất là đảm bảo tính chủ quyền".

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thì khẳng định nguyên tắc bảo vệ bằng nội lực dân tộc cộng sức mạnh thời đại, trong đó sức mạnh thời đại chính là sự ủng hộ chính nghĩa, cái đúng.

Ông Thanh nhấn mạnh yêu cầu "chủ động cung cấp thông tin minh bạch chính xác để thế giới biết ai đúng, ai sai để họ có tiếng nói ủng hộ chính nghĩa chứ không phải chúng ta lôi kéo, tập hợp lực lượng để chống lại hay đối trọng với các nước khác".

Những căng thẳng trên Biển Đông thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân cả nước và bạn bè thế giới. Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp cho thấy, cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Báo cáo tình tình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trước Quốc hội tại phiên khai mạc hôm 21/7, ông Nguyễn Sinh Hùng khi đó còn là Phó Thủ tướng thường trực cho biết Chính phủ đã thực hiện nhất quán chủ trương đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên Biển Đông, cũng như chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới, các diễn đàn quốc phòng - an ninh khu vực và tiếp xúc song phương, đa phương.

Một trong những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là bảo đảm nguồn lực để tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo - ông Hùng nhấn mạnh.

Chung Hoàng

TQ 'nổi đóa' với chuyện nghị sĩ Philippines thăm Trường Sa
Hôm nay, 5 nghị sĩ Philippines dự kiến sẽ tới thăm quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Trung Quốc nói kế hoạch này có thể làm tổn hại tới quan hệ song phương.
 
Việt-Trung giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình
Việt Nam và Trung Quốc thống nhất giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
 
Giàn khoan Trung Quốc đe dọa an ninh Biển Đông
Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ CNOOC 981 xuống Biển Đông cùng với những động thái trưng bày sức mạnh hải quân là hành động liên tiếp trong chiến lược xâm chiếm và bành trướng xuống Biển Đông.