Đại sứ Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN trao đổi với VietNamNet về những thách thức trong nhiệm kỳ Chính phủ mới cũng như về vấn đề Biển Đông đang nổi lên ở khu vực.
Ông Pitono Purnomo nhấn mạnh giai đoạn 5 năm phát triển vừa qua, dù trong nửa cuối nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là những thách thức nhưng tổng thể Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Pitono Purnomo: "bất kể sự leo
thang căng thẳng dẫn đến xung đột không phải là lợi ích
của chúng ta. Không ai muốn điều đó xảy ra". Ảnh: X.L |
“Cho đến năm ngoái, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng, đạt 6,5% và dự báo năm nay ở mức từ 6,5 đến 7%. Sự phát triển trong mọi lĩnh vực đều rất tốt. Đó là sự ổn định chính trị, kinh tế trên đường ray phát triển. Hãy nhớ lại thời điểm khi Việt Nam bắt đầu hội nhập khu vực từ 1995 cho đến khi gia nhập WTO 2007, đến nay, có thể nói tiến trình phát triển diễn ra nhanh chóng. Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, một kết quả ấn tượng và không dễ dàng đạt được, nếu như biết rằng Việt Nam xuất phát điểm từ một nước đói nghèo”.
Điều chỉnh cần thiết
Ông Pitono Purnomo khẳng định: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ hai đã đưa ra những ưu tiên trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình. Chúng tôi tin vào những cam kết của Chính phủ.
Chúng tôi hiểu Việt Nam có những vấn đề phát triển nội tại của mình và tôi tin tưởng trong năm tiếp theo đây, Chính phủ dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có những điều chỉnh chính sách điều hành cần thiết.
Lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại rõ ràng cũng là những vấn đề mà các nước khác trong khu vực và trên thế giới phải đối mặt, ngay cả nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng vậy. Indonesia trong quá khứ cũng từng đối mặt tỷ lệ lạm phát cao do khủng hoảng tài chính. Tôi tin các nhà lãnh đạo Việt Nam với đủ kinh nghiệm cũng như nỗ lực sẽ đưa Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn. Indonesia sẽ sát cánh, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Việt Nam gia nhập ngôi nhà chung của ASEAN đã 16 năm. Theo Đại sứ, Việt Nam nên đóng góp như thế nào để trở thành một thành viên trách nhiệm lớn hơn trong ngôi nhà chung này?
Cần phải nói thẳng thắn rằng, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà còn thích ứng và tiến rất nhanh trong khu vực. Việt Nam đã hai lần làm Chủ tịch ASEAN và cá nhân tôi, từ tận trong trái tim mình, tôi cho rằng Việt Nam đã thể hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 tuyệt vời.
Đó là dấu ấn của việc điều phối mời Nga và Mỹ làm quan sát viên tại Thượng đỉnh Đông Á - EAS ở Hà Nội để chính thức sẽ trở thành đối tác tại Thượng đỉnh EAS năm nay ở Indonesia. Tại diễn đàn khu vực ARF, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò của mình, đóng vai trò quan trọng khi làm điều phối khác biệt giữa các nước lớn.
Không cho rằng ASEAN bị chia rẽ
Việt Nam gần đây công khai bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc ngày càng quả quyết và đôi khi còn sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Indonesia đánh giá thế nào về những diễn biến xảy ra vừa qua?
Trong vấn đề này, tôi nhấn mạnh Indonesia nhất quán khuyến khích và ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tranh chấp giữa các bên cùng tuyên bố chủ quyền trong vấn đề Biển Đông. Chúng tôi khuyến khích tất cả các bên liên quan cam kết đảm bảo lòng tin và ổn định, hòa bình trên Biển Đông để tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển LHQ 1982 cũng như các nguyên tắc và biện pháp khác đề ra trong Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC).
Trung Quốc là đối tác chiến lược của ASEAN. Vì thế nhiệm vụ của Indonesia, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam - nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, đã làm việc với Trung Quốc để ký kết thỏa thuận hướng dẫn DOC và sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện nhanh chóng các dự án và hợp tác chung liên quan đến DOC, trong khuôn khổ Đối tác hợp tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng cũng như góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Chúng tôi không đồng tình việc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp. Bất kể sự leo thang căng thẳng nào dẫn đến xung đột cũng không phải là lợi ích của chúng ta. Không ai muốn điều đó xảy ra. Indonesia và các nước ASEAN không muốn việc dùng quân sự, sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Có ý kiến bình luận ASEAN đang trở nên chia rẽ trước việc Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp qua kênh song phương. Theo ông, đó có phải là vấn đề chung của ASEAN không và cần làm gì để duy trì tình đoàn kết nội khối truyền thống?
Tôi không cho rằng ASEAN bị chia rẽ. Chúng ta đã thiết lập một diễn đàn khu vực về chính trị - an ninh để trao đổi quan điểm, cố gắng giải quyết những khác biệt để hướng tới quan điểm chung, đóng góp cho việc giải quyết vấn đề một cách tích cực. Như tôi đã nhấn mạnh, bất kể sự leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột nào cũng không phải là lợi ích của chúng ta. Chúng ta đã luôn tránh điều đó. Chúng ta cần một khu vực hòa bình, thịnh vượng, phát triển kinh tế hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực.
Đại sứ có thể đánh giá việc ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về hướng dẫn thực thi Tuyên bố DOC vừa qua tại hội nghị ở Bali? Việc cần làm tiếp theo là gì?
Thỏa thuận đạt được tại Bali là một dấu mốc quan trọng, cho thấy có những cải thiện. Trung Quốc đã sẵn sàng ngồi thảo luận và cùng ASEAN ký kết thông qua. Nhưng điều quan trọng, đó là làm sao tiếp tục đi xa hơn thỏa thuận này.
Xuân Linh
Biển Đông: Nói với dân, dân sẽ tin hơn
Nói với dân chúng về Biển Đông,
dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm - ĐBQH Dương Trung Quốc nói tại hội trường, buổi sáng cuối cùng của kỳ họp đầu.
Biển Đông: Không thể giải quyết một sớm một chiều
Tại cuộc họp báo cuối cùng về nội dung
làm việc của Diễn đàn khu vực ASEAN ngày 23/7, vẫn là các câu hỏi về
Biển
Đông.