Con tàu chiến Varyag của một siêu cường cũ - Liên Xô - dần được nâng cấp và trở thành tàu sân bay đầu tiên của một siêu cường tương lai - Trung Quốc. Giờ đây, thế giới lại có những lo lắng mới về nó.
Con tàu này từng là một trong những
sứ mệnh cuối cùng của hải quân Liên Xô, nhưng công việc xây dựng tại xưởng đóng
tàu Mykolaiv ở Biển Đen đã bị ngừng trệ vào năm 1992 khi Liên Xô sụp đổ. Sự “tiều
tụy và xuống cấp” của Varyag tiếp tục diễn ra cho tới năm 1998, khi được một công ty
Trung Quốc ở Macau có những liên quan chặt chẽ tới hải quân Trung Quốc mua lại từ Ukraine, với tuyên bố sẽ biến nó thành một sòng bạc nổi.
Bến cảng của Macau không bao giờ đủ sâu với tàu Varyag. Con tàu chiến mồ côi của một siêu cường cũ, với thiết kế kiểu nhảy cầu cho máy bay cất cánh, trên thực tế lại neo đậu ở thành phố cảng Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc. Ở đó, nó dần dần được nâng cấp và trở thành tàu sân bay đầu tiên của một siêu cường tương lai. Giờ đây, thế giới lại có những lo lắng mới về con tàu cũ Varyag.
Vỏ bọc cho sứ mệnh cao cả
Ngày 10/8, con tàu được nâng cấp đã từ Đại Liên ra biển cho chuyến thử nghiệm đầu tiên. Vỏ bọc sòng bạc nổi che giấu thân phận con tàu bấy lâu đã không còn, tàu ra khơi với nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả: phô diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên biển cả.
Việc hạ thủy Varyag diễn ra trong thời
gian khá nhạy cảm. Lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang tăng tốc hiện đại hóa - chi tiêu quân sự tăng trung bình hàng năm vào khoảng 15% kể từ năm 2000 - và
sau cả thập niên dài “ve vãn” khu vực Đông và Đông Nam Á, Bắc Kinh bắt đầu có lập
trường cứng rắn và gây hấn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Một số nhân tố dẫn đến cách tiếp cận cứng rắn này như khả năng các vùng biển tranh chấp chứa đựng nguồn dự trữ năng lượng giá trị; tham vọng thách thức ảnh hưởng khu vực của Mỹ; sự hiện diện lớn của chủ nghĩa dân tộc và nỗi sợ hãi sẽ yếu đi trước sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới. “Đặc điểm thái độ của Trung Quốc dường như ngày càng quả quyết hơn”, Clive Schofield, giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và an ninh đại dương của Australia nói.
Những nước láng giềng Trung Quốc đã phản ứng bằng những tuyên bố cứng rắn và thể hiện rõ thái độ của mình. Năm ngoái, Trung Quốc và Nhật Bản đã có cuộc tranh cãi kịch liệt về một quần đảo ở biển Hoa Đông thuộc sự quản lý của Nhật, nhưng do cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền, có tên gọi là Điếu Ngư (theo tiếng Trung Quốc) và Senkaku (tiếng Nhật). Khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở gần quần đảo này, Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt. Hai tuần sau đó, Nhật Bản thả vị thuyền trưởng và người này trở về trong sự tôn vinh như người hùng ở Trung Quốc.
Mùa hè năm nay, các tàu chiến Trung Quốc đã đi qua vùng biển quốc tế gần Okinawa, và làm Tokyo bất an. Trong Sách Trắng Quốc phòng xuất bản sau đó, Nhật Bản cho rằng, chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, việc gia tăng các hoạt động ở vùng biển châu Á và sự thiếu minh bạch “gây ra sự lo lắng trong khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Lời cảnh báo
Tại Biển Đông, tranh chấp còn xảy ra nhiều hơn. Vùng biển 3 triệu km vuông với những hòn đảo nhỏ, và rất nhiều khu vực trong đó được tin là giàu trầm tích dầu và khí tự nhiên. Căng thẳng đã leo thang giữa Trung Quốc - nước đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và một số quốc gia châu Á cũng có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển. Philippines, quốc gia lên tiếng cáo buộc các tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí, tàu cá ít nhất sáu lần kể từ đầu năm trở lại đây, đã tuyên bố đổi tên vùng biển là Biển Tây Philippine và sẽ điều động tàu hải quân - tàu khu trục thời Thế chiến II Rajah Humabon, tuần tra trong vùng. Việt Nam thì cáo buộc các tàu Trung Quốc hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí vào mùa hè này, khi các tàu hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam.
Tranh chấp ở các vùng biển châu Á đã thu hút Mỹ. Năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố, Mỹ có một “lợi ích quốc gia” trong tự do hàng hải ở Biển Đông và đề xuất rằng, Washington có thể trợ giúp giải quyết tranh chấp khi đóng vai trò trung gian hòa giải. Trung Quốc đã phản ứng đầy tức giận và khẳng định, Mỹ muốn “quốc tế hóa” vấn đề mà chỉ cần giải quyết giữa các nước láng giềng có liên quan. Một số nhà quan sát hình dung là Bắc Kinh sẽ có cách tiếp cận ít “đối kháng” hơn trong năm 2011, khi chứng kiến sự tham gia lớn hơn của Mỹ trong các vấn đề khu vực. “Điều đó đã không xảy ra”, Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nói hồi tháng 6. "Trong thực tế, căng thẳng đã gia tăng trong hai hoặc ba tháng qua, có lẽ ở mức độ cao hơn những gì kể từ thời chấm dứt chiến tranh Lạnh”.
Ngày 20/7, Trung Quốc và ASEAN tuyên
bố đạt được nhất trí về các hướng dẫn không mang tính ràng buộc về một thỏa thuận
có thể giải quyết tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên, các bất đồng vẫn khó thu hẹp.
Thôi Thiên Khải, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo, Mỹ có nguy cơ
dính dáng vào một cuộc xung đột khu vực nếu không làm việc để kiềm chế các quốc
gia khác. “Tôi tin là cá nhân mỗi nước thực sự đang chơi với lửa”, ông nói trước
báo giới vào cuối tháng 6. “Tôi hy vọng rằng, Mỹ sẽ không bỏng tay với ngọn lửa
ấy”.
Giữa tháng 7, tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (PLA), công khai phàn nàn với người đồng cấp Mỹ - đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - về chi tiêu quân sự của Mỹ, về các hoạt động giám sát hàng hải ở gần biên giới của Trung Quốc và các cuộc tập trận chung với một số nước trong khu vực mà ông cho là “diễn ra trong thời gian không thích hợp”. Về phần mình, ông Mullen nói sau chuyến công du Trung Quốc 4 ngày rằng ông không bị thuyết phục bởi lập luận các tiến bộ quân sự Bắc Kinh hoàn toàn mang tính chất phòng thủ tự nhiên, và lo ngại xung đột ở Biển Đông “có thể leo thang, có thể dẫn tới hiểu lầm, và một sự cố hay sự hiểu lầm sẽ dẫn tới những rủi ro lớn hơn”.
Thái An (theo TIME)
Phần 2:
Tàu sân bay: Thông điệp chủ quyền của Trung
Quốc