Giữa lúc Mỹ và châu Âu
vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ nần thì sức mạnh Trung Quốc không ngừng được mở rộng
ở hầu như mọi nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có một câu hỏi
quan trọng đặt ra, đặc biệt với các nước Đông Nam Á và Australia: Nên ràng buộc
bởi những mối quan hệ nào - thương mại và gia tăng thịnh vượng hay an ninh quốc
gia?
Bài viết của tác giả Michael Richardson - nhà nghiên cứu cấp cao
tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.
Nước Mỹ, gần đây trong
hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, với thực tế cứ 9 người có 1 người thất nghiệp, đã gặp
khó khăn khi cạnh tranh với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại hấp
dẫn và những thỏa thuận đầu tư béo bở vào các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương,
kể cả khi Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thay vào đó, ngoại giao Mỹ và sự hiện
diện của các lực lượng vũ trang nước này trong khu vực đã góp phần tạo ra sự đối
trọng với sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc, sức mạnh ấy một lần nữa
được tăng tốc khi vào ngày 10/8, Trung Quốc đã thử nghiệm trên biển tàu sân bay
đầu tiên.
ASEAN - Trung Quốc: an ninh quốc gia... Ảnh: Getty Images |
Trong bối cảnh tranh luận tháng trước về tự do hàng hải và các vấn đề liên quan khác ở Biển Đông tại Diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, châu Á đóng góp 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay và Trung Quốc là 26%. Ông nhấn mạnh, trong 5 năm tới, nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến đạt khoảng 10 nghìn tỉ USD và rằng, hầu hết "sẽ từ các nước hiện diện ở đây".
Đó là một lời nhắc nhở về việc Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng kinh tế thế nào để củng cố các mối quan hệ chiến lược với các quốc gia mà họ coi là quan trọng, trong đó có Australia. Trung Quốc giờ đây là thị trường lớn nhất của Australia. Nước này tiêu thụ khối lượng lớn các khoáng sản, năng lượng, nông sản xuất khẩu của Australia, thúc đẩy tăng trưởng cho Australia kể cả khi sản xuất, du lịch và chi tiêu tiêu dùng chậm lại.
Sức hút thị trường khổng lồ của Trung Quốc đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh Mỹ và châu Âu sụt giảm, đối mặt với một tương lai bất định. Ngược lại, Trung Quốc cung cấp cho các láng giềng châu Á - Thái Bình Dương một đầu máy kinh tế khổng lồ.
Những lợi ích chung hiển thị rõ ràng trong Hiệp định Tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN (CAFTA), hiệp định lớn nhất giữa các quốc gia đang phát triển và là khối thương mại đứng thứ ba thế giới, tính về GDP, sau EU và Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada và Mexico.
Kể từ khi CAFTA có hiệu lực vào năm 2010, thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á tăng vọt. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh hôm 12/8 nói rằng, giá trị thương mại hai chiều đã tăng từ 8 tỉ USD năm 1991 lên gần 293 tỉ USD năm 2010, gấp 37 lần. Theo số liệu hải quan Trung Quốc, con số này tăng tới 25% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, đạt 171 tỉ USD. Đông Nam Á có được thặng dư gần 11 tỉ USD.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành tháng trước nói rằng, ông tin là giá trị thương mại thường niên ASEAN - Trung Quốc sẽ đạt gần 500 tỉ USD vào cuối năm 2015. Ông nhấn mạnh, Bắc Kinh không tìm kiếm thặng dư thương mại với Đông Nam Á và hoan nghênh nhập khẩu nhiều hơn.
Hay thương mại và thịnh vượng? Ảnh: foreignpolicy |
Thực tế là, theo một số nhà phân tích, khi Trung Quốc chuyển từ mô hình xuất khẩu dẫn dắt tăng trưởng trở thành một nền kinh tế với động lực chính từ tiêu dùng nội địa, thì Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi chính. Nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực sẽ gia tăng. Thêm vào đó, mức lương lao động nội địa gia tăng khiến các ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào những khu vực giá nhân công thấp ở Đông Nam Á, giống như Nhật Bản từng làm trong những năm 1970.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, đầu tư Trung Quốc - ASEAN đạt 80 tỉ USD vào giữa năm nay, trong đó đầu tư của Trung Quốc tại Đông Nam Á chiếm khoảng 13 tỉ USD. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối, trong khi ASEAN kể từ tháng 4 đã thế chân Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba với Trung Quốc sau EU và Mỹ.
Trung Quốc là ngọn đèn hiệu của cả sức mạnh kinh tế và quân sự trỗi dậy, một cực địa chiến lược của tương lai. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn mà Bắc Kinh chậm nhận ra là: Trong khi viễn cảnh hội nhập thương mại và kinh tế với Trung Quốc nói chung là tạo ra hấp lực với Đông Nam Á, thì sức mạnh quân sự đang trỗi dậy và sự quả quyết ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và những nơi khác lại tạo ra sự bất mãn.
Quan chức Trung Quốc đang thúc giục ASEAN chấp nhận sự đổi chác rằng: Không cạnh tranh với tuyên bố chủ quyền "không thể tranh cãi" của Bắc Kinh trong việc kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Đông - trái tim hàng hải của Đông Nam Á - để đổi lấy hứa hẹn về một tương lai kinh tế tươi sáng.
Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị Minxin Pei chỉ ra hồi đầu năm nay, thực tế địa chính trị lại là điều khác biệt. "Các quốc gia có thể thèm khát, nhưng yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất trong quan hệ quốc tế là sự sợ hãi, đặc biệt bắt nguồn từ sự bất định của một cường quốc đang lên".
Một số nước thành viên ASEAN như Myanmar, Campuchia và Lào hay thậm chí Thái Lan đã không kháng nổi hấp lực Trung Quốc, một phần vì họ gần với Trung Quốc và có thể nhìn thấy những lợi thế kinh tế lớn, và một phần vì họ không có tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông.
Nhưng Trung Quốc lại có tranh chấp chủ quyền với một số nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore. Những nước này đã tăng cường phòng thủ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng như những cường quốc khác bên ngoài có lợi ích ở Biển Đông. Australia cũng làm như vậy.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc và các nước này chưa bao giờ gần gũi hơn. Về mặt chiến lược, họ lại chia tách bởi những mục tiêu khác nhau và sự hồ nghi.
Thái An (theo japantimes)
Tàu sân bay: Thông điệp chủ quyền của Trung Quốc
Chưa chính thức mang một cái tên TQ,
nhưng công dân mạng gọi tàu Varyag là Thi Lang - tên vị đô
đốc TQ đã
chinh phục Đài Loan thế kỷ 17...
Trước Trung Quốc, liệu Úc có bất an?
Ngay sát sườn, Trung Quốc đang phô trương thanh thế lực lượng
hải quân, điển hình là việc trang bị tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Tên lửa: Kế hoạch đánh bại Mỹ của Trung Quốc
Dù không ít nỗ lực phô trương sự hiện đại, nhưng quân sự Trung Quốc
có thể yếu hơn nhiều người suy đoán, đặc biệt nếu so sánh với Mỹ.