Chưa chính thức mang một cái tên Trung Quốc, nhưng công dân mạng gọi tàu Varyag là Thi Lang - tên vị đô đốc Trung Quốc đã chinh phục Đài Loan thế kỷ 17.

Varyag - số phận con tàu sân bay mồ côi
Con tàu chiến Varyag của một siêu cường cũ - Liên Xô - dần được nâng cấp và trở thành tàu sân bay đầu tiên của một siêu cường tương lai - Trung Quốc. Thế giới lại lo lắng về nó.

Trong môi trường nóng lên từng ngày như thế, con tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ chỉ làm gia tăng nỗi quan ngại. Chưa chính thức mang một cái tên Trung Quốc, nhưng các công dân mạng gọi nó là Thi Lang - tên vị đô đốc Trung Quốc vào thế kỷ 17 đã chinh phục Đài Loan. Thậm chí nếu cuối cùng Bắc Kinh chọn cho con tàu cái tên tinh tế hơn, thì thông điệp họ gửi tới khu vực sẽ rất rõ ràng: khả năng Trung Quốc quay lại với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ sẽ ngày càng lớn hơn.

Các nhà phân tích quân sự thận trọng đánh giá, con tàu tự nó không phải là người thay đổi cuộc chơi. Sau tất cả, nó được xây dựng từ một "xác tàu" cũ tồn tại "vật vờ" 26 năm. Con tàu có thể phải mất ít nhất 5 năm kể từ khi thử nghiệm trên biển để có thể hoạt động toàn diện, Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu quân sự châu Á và là nhà nghiên cứu cao cấp tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nói.

Thậm chí ngay cả sau đó, nó có thể chỉ được dùng để huấn luyện. Khi con tàu bắt đầu thử nghiệm trên biển, phi công phải thực hành cất cánh/hạ cánh từ boong tàu di động, còn thủy thủ thì học cách xử lý những phức tạp của loại tàu mà người Trung Quốc chưa từng có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, Andrew Erickson, nhà nghiên cứu tại đại học Chiến tranh hải quân Mỹ cho biết: "Trung Quốc đã bắt đầu ở nơi nào đó. Một cặp vợ chồng mới cưới bắt đầu ngôi nhà mới, một cường quốc đang trỗi dậy muốn bắt đầu tàu sân bay".

Khát vọng đột phá

Các nhà phân tích tin rằng, khi hải quân PLA học được cách vận hành con tàu cũ Varyag, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng nhóm tàu sân bay - có lẽ khoảng bốn chiếc. Đây là ý nghĩa lớn nhất của con tàu giờ đây đã được tân trang tại Đại Liên. "Nó thể hiện những mong muốn đột phá của Trung Quốc", Bitzinger nhấn mạnh.

Trong tương lai gần, Mỹ sẽ vẫn chiếm ưu thế quân sự ở châu Á. Họ chi tiêu gấp sáu lần những gì Trung Quốc dành cho quốc phòng và có lịch sử dài hoạt động tàu sân bay. Chiếc đầu tiên của Mỹ hoạt động vào năm 1934 và giờ đây nước này có 11 tàu sân bay hạt nhân. Mỗi tàu có thể mang hơn 80 máy bay có thể đồng thời cất cánh/hạ cánh trong vài phút. Cùng với tàu ngầm, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, tàu khu trục và tàu hậu cần, nhóm tàu sân bay lớp Nimitz là một trong những lực lượng quân sự hàng đầu thế giới, mạnh hơn tất cả những gì Trung Quốc sẽ có thể tổ chức được trong nhiều thập niên.

Varyag thể hiện những mong muốn đột phá của Trung Quốc
Nhưng so sánh trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc là một sai lầm, Erickson nói, "trừ phi là hình dung về cuộc xung đột toàn cầu giữa hai bên". Thay vào đó, hải quân Trung Quốc tập trung phát triển các khả năng vào thứ mà các chuyên gia quân sự gọi là "ngăn chặn tiếp cận" hoặc "khu vực từ chối", thứ sẽ ngăn chặn Mỹ hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột. Cuối cùng, Trung Quốc đã phát triển hàng loạt loại tên lửa trong đó có tên lửa đạn đạo tầm xa mệnh danh "sát thủ tàu sân bay" có khả năng đánh trúng mục tiêu là các tàu di động mà tướng Trần từng công khai thừa nhận trong chuyến công du Trung Quốc của đô đốc Mullen hồi tháng 7.

So với các hạm đội Bắc Hải và Đông Hải của hải quân PLA, hạm đội Nam Hải "đã nhận được sự chú ý và đầu tư nhảy vọt trong vài năm qua", Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc dự án Đông Bắc Á thuộc nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế nhận định. "Ngoài việc nâng cấp các tàu chiến đấu và tàu ngầm hiện có, chúng ta cũng thấy sự triển khai tăng cường của quân nhân, tàu tuần tra và tàu ngầm".

Sự tăng cường lớn nhất sẽ là tàu sân bay, thứ mà Kleine-Ahlbrandt cho rằng sẽ được triển khai ở Biển Đông. "Sĩ quan quân sự Mỹ có xu hướng hạ thấp tàu Varyag và nói nó cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, cơ bản là mục tiêu dễ tổn thương", Storey nói. "Tôi nghĩ quan điểm ở Đông Nam Á lại khác hẳn. Nó gửi thông điệp tới các quốc gia Đông Nam Á rằng, Trung Quốc nghiêm túc việc khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông".

Lỗ hổng lòng tin

Trung Quốc cũng đang chơi một cách cứng rắn trên mặt trận ngoại giao. Bắc Kinh đã ngừng quan hệ quân sự với Mỹ để phản đối việc Washington thông qua thỏa thuận bán vũ khí trị giá 6,5 tỉ USD cho Đài Loan, và chỉ nối lại tiếp xúc quân sự cuối năm 2010 để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đầu năm nay.

Khác thời chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô nhất trí về những quy tắc và thiết lập đường dây nóng để giải quyết sự cố trên biển, tránh châm ngòi dẫn tới chiến tranh hạt nhân, Bắc Kinh và Washington không có thỏa thuận tương tự. Trong báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy tại Australia, tác giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs đã đưa ra hơn 12 sự cố trên biển giữa các lực lượng hải quân hoặc cơ quan đại diện của họ ở tây Thái Bình Dương. Tác giả nhấn mạnh rằng, không có cơ chế thông tin và các biện pháp xây dựng lòng tin tích cực của tất cả các bên, thì sự gia tăng của các hoạt động hải quân trong khu vực sẽ mở rộng khả năng và nguy cơ đối đầu.

"Trong khi cơ hội cho những sự cố sẽ dẫn tới xung đột quân sự không nên bị phóng đại, thì những nhân tố ấy - đặc biệt từ sự va chạm của Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ - dường như vẫn tồn tại dai dẳng và gia tăng", họ viết. "Khi số lượng và cường độ các sự cố gia tăng, càng dễ có khả năng leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao và thậm chí là xung đột".

Tuy nhiên, hiện tại, hầu như không có bất cứ cảm giác "thời chiến" nào ở Đại Liên, nơi con tàu cũ Varyag neo đậu ở khu cảng lân cận một cửa hàng nhãn hiệu Ikea và một câu lạc bộ mới. Cư dân nơi đây nhớ lại thời điểm con tàu được lai dắt cách đây gần cả thập niên, một xác tàu khó có thể giống như một con tàu chiến. Ngày nay, họ bật cười khi nghĩ con tàu sẽ khiến các nước khác lo lắng. "Chẳng qua chỉ là mảnh rác mà ngay cả Ukraine cũng không muốn", một công nhân làm ở công trường xây dựng gần đó nói. "Với quốc gia 1,3 tỉ dân, chắc chắn là không đủ. Chúng tôi cần nhiều hơn thế".

Đó chính là ý niệm mà không chỉ riêng con tàu sân bay, đã đủ khiến phần còn lại của thế giới lo lắng.

Thái An (theo TIME)

Tàu sân bay: Chiến lược ‘sòng bạc nổi' của Trung Quốc
Khi quân đội Mỹ và Anh buộc phải cắt giảm chi phí, thì chiến lược “sòng bạc” của Trung Quốc đã gặt hái được những lợi ích lớn.
 
Giải mã sức hút tàu sân bay Trung Quốc
Giữa cuộc khủng hoảng nợ làm điêu đứng thế giới, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lặng lẽ thừa nhận điều từng là một bí mật: Trung Quốc đang xây dựng một tàu sân bay.
 
Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mua từ Ukraine mang tên Varyag thời Liên Xô, sau khi được nâng cấp đã được thử nghiệm.