Tờ Chosun Ilbo, Hàn Quốc vừa đưa tin, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ
chính thức đi vào hoạt động vào dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nước này - 1/8
năm tới. Sau đó, nó sẽ được phái tới Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ
quyền với một số quốc gia Đông Nam Á.
Theo Chosun, phiên bản trực tuyến của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã trích dẫn
một nguồn tin hải quân nói rằng: "Tàu sân bay sẽ chính thức đi vào hoạt động
ngày 1/8 năm tới sau vài lần kiểm tra. Quân ủy trung ương sẽ nắm quyền kiểm soát
con tàu". Quân ủy trung ương là bộ máy chỉ huy tối cao của quân đội Trung
Quốc, đứng đầu là Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.
Trước đó, ngày 15/8, đưa tin về
việc tàu sân bay đầu tiên đã hoàn thành thử nghiệm trên biển và trở về cảng Đại
Liên neo đậu, Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn tin quân sự nói rằng, chuyến thử
nghiệm đầu tiên trên biển là nằm trong lịch trình dự án nâng cấp tàu sân bay,
sau khi thử nghiệm, công việc nâng cấp và kiểm tra sẽ tiếp tục diễn ra.
Báo này cho biết, con tàu sẽ chính thức đi vào hoạt động, phục vụ trong lực
lượng Hải quân Trung Quốc vào tháng 8 năm tới và lễ đặt tên chính thức cho con
tàu sẽ tổ chức trong tháng 10.
Còn Tân hoa xã thì đưa tin, con tàu cũng có thể thử nghiệm cả quá trình cất
cánh, hạ cánh máy bay. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc tiết lộ, hệ thống rađa
của tàu sân bay này là một trong những hệ thống hiện đại nhất thế giới.
Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số
nước Đông Nam Á. Trong đó, Trung Quốc với việc tự mình đưa ra bản đồ hình chữ U
đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển giàu tiềm năng dầu khí này.
Căng thẳng Biển Đông đã gia tăng mạnh mùa hè này với việc cả Việt Nam và
Philippines cùng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc tăng cường các hành động gây hấn
để khẳng định tuyên bố hàng hải. Vào ngày 26/5 và 9/6, tàu Trung Quốc đã hai lần
cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam khi các tàu thăm dò hoạt động trong phạm vi
chủ quyền của Việt Nam. Manila khẳng định, Trung Quốc ít nhất đã 6 lần xâm nhập
vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển
Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Đây
là một hình thể biển lớn nhất sau 5 đại dương. Các đảo ở Biển Đông có số lượng
nhiều, tập hợp thành một số quần đảo. Rất nhiều trong số này là các đảo chìm,
đảo đá không có người ở.
Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên
biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn
san hô của thế giới.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về
Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho
biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ mét khối khí.
Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc
đã được chứng minh.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, Trung Quốc đã từng cảnh báo các
nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở khu vực tranh chấp trong vùng biển
này, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm
năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
Giới phân tích cho rằng, con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hiện diện Biển
Đông nhằm gia tăng áp lực với các quốc gia khác thông qua việc sử dụng căn cứ
hải quân ở đảo Hải Nam như một nơi neo đậu. Sự có mặt của con tàu còn được coi
là mối đe dọa với Nhật Bản bởi Hải Nam cách quần đảo Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc)
hay còn gọi là Senkaku(tiếng Nhật) khoảng 1.500km. Quần đảo này là nơi tranh
chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Thái An