- Góp ý cho đề án đổi mới chất lượng hoạt động Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, mỗi đại biểu phải chọn lọc ý kiến để phát biểu cho trúng, tránh tình trạng đưa ra dẫn chứng, ví von không hợp lý khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chất lượng tân đại biểu.

Đừng để có nhiều 'nghị sĩ rau muống'

Sáng nay (22/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên đầu tiên, đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13 và thảo luận đề án tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội. Đa số các ý kiến đều tập trung thảo luận cách thức để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan góp nhiều nhận xét về chất lượng đại biểu khóa mới.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Một dẫn chứng tiêu biểu được bà Doan nhắc lại là ý kiến của một đại biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội đã so sánh giá rau muống ở Việt Nam với Singapore, từ đó kiến nghị xem lại cách tính lạm phát ở Việt Nam. Bà Doan cho hay, ý kiến trên đã lan truyền nhanh chóng trên mạng và vị nghị sĩ nói trên được đặt cho biệt danh mới là “nghị sĩ rau muống”.

Bà Doan cho hay, tại phiên họp vừa rồi, vẫn còn không ít những đại biểu nói dài, nói “lỡ miệng” như trên.

Chưa kể, rất nhiều ý kiến phát biểu lặp đi lặp lại, không có điểm gì mới. “Cử tri có cảm giác đại biểu viết sẵn một bài để lên đọc. Vì nếu không nói gì thì sẽ bị cử tri trách hoặc sẽ không hoàn thành trách nhiệm”.

Đánh giá kết quả kỳ họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định một số ý kiến phát biểu tại hội trường chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm, chưa phản ánh đúng mức tình hình thực tế.

Các thành viên Ủy ban đều nhất trí cho rằng, để đổi mới thực sự, đòi hỏi nỗ lực và trí tuệ của từng đại biểu Quốc hội. “Mỗi đại biểu Quốc hội phải biết cách phát huy trí tuệ của các chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban tán thành việc đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri để đại biểu có thể nắm được trúng và sát nhất tâm tư nguyện vọng của người dân.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, không thể tiếp tục duy trì quy trình tiếp xúc kiểu cũ là chỉ gặp các đại cử tri, vì nếu thế, kỳ tiếp xúc nào cũng chỉ có chừng ấy băn khoăn, thắc mắc. Chẳng hạn, bốn vấn đề được các đại cử tri nhắc đi nhắc lại suốt nhiều kỳ tiếp xúc của Quốc hội khóa 12 là chính sách cho cán bộ cơ sở, ô nhiễm môi trường, chất lượng giáo dục mầm non và chính sách cho bộ đội, thanh niên xung phong...

Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từng ĐBQH phải gần dân, sát dân hơn nữa. Những ĐBQH là chuyên trách Trung ương, ngoài việc tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nên mở rộng phạm vi tiếp xúc tới nhiều đối tượng khác nhau và tích cực đến với nhiều vùng miền khác nhau.

Dành một ngày xem xét Luật Biển

Cũng trong sáng nay, Thường vụ đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2.

Dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và diễn ra trong 31 ngày. Trong đó Quốc hội dành 17 ngày bàn về công tác xây dựng pháp luật, 9,5 ngày cho các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, 4,5 ngày dành cho khai mạc, bế mạc, đọc tờ trình, cáo cáo, thông qua nghị quyết. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ dành riêng 1 ngày để xem xét thông qua dự án Luật biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết về một số vấn đề đề nghị Ủy ban Thường vụ quan tâm chỉ đạo: Các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai đã được Quốc hội khóa 12 cho ý kiến tại các kỳ họp trước và có điều kiện thuận lợi về thời gian để chỉnh lý, hoàn thiện. Tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội khóa mới chưa được tiếp cận các dự án luật này, nhất là dự án Luật biển Việt Nam.

Để các đại biểu sớm tiếp cận nội dung các dự thảo luật, Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương chuẩn bị các dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng để trình Thường vụ cho ý kiến, gửi các đại biểu trước ngày 5/9 tới.

Về nội dung, theo thông lệ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo kinh tế - xã hội, về công tác phòng chống tham nhũng và an ninh quốc phòng… Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và 1 nghị quyết. Đó là, Luật biển Việt Nam, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật cơ yếu…

Quốc hội sẽ cho ý kiến 13 dự án luật: Luật tài nguyên nước, Luật giáo dục đại học, Luật xử lý vi phạm hành chính…

                     Không được lưỡng lự

"Theo dõi nhiều phiên họp, tôi thấy có những đại biểu không biểu quyết. Ví dụ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế, có tới 17 người không biểu quyết. Tôi cho rằng, trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội là phải nói có hoặc nói không chứ không được phép lưỡng lự"

              Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

 


Lê Nhung

Sẽ thẩm tra lại tư cách một đại biểu Quốc hội
Kết luận phiên họp Thường vụ sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho hay, sẽ thẩm tra tư cách một vị đại biểu QH đang được dư luận quan tâm.
 
'Thưa Chủ tịch Quốc hội, ông có lý tưởng gì?'
Buổi giao lưu giữa Chủ tịch QH và các thủ khoa của Hà Nội diễn ra không theo kịch bản sẵn có. Một thủ khoa hỏi: Khi Chủ tịch bằng tuổi chúng cháu, ông đã đặt mục tiêu gì cho cuộc sống?
 
Quốc hội có nhiệm kỳ, đất nước thì không
Chặng đường đất nước 5 năm tới định hình thế nào phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc của 500 đại biểu QH, ngay từ kỳ họp đầu, khai mạc hôm nay.