- Nhiều năm gần đây, kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa mới thường diễn ra chỉ trong vỏn vẹn hơn chục ngày. Chương trình nghị sự không dày dặn như những kỳ họp sau đó nhưng lại có một nội dung quan trọng, đó là bầu nội các mới.


Trọng trách lớn đang đặt lên vai các đại biểu Quốc hội khóa mới. Chặng đường đất nước 5 năm tới đây định hình thế nào phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và sự chủ động vào cuộc của chính họ, để sáng suốt chọn ra những người lãnh đạo có đủ đức tài dẫn dắt đất nước giai đoạn sắp tới.

Người dân mong đại biểu khóa mới nhập cuộc ngay từ kỳ họp đầu tiên. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Ngọc Trân, người từng kinh qua ba khóa Quốc hội đã tha thiết mong mỗi đại biểu hãy "vào cuộc ngay từ kỳ họp đầu tiên" để thực hiện nhiệm vụ quan trọng ghi trong Hiến pháp: "Quyết định thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ". Và còn nhiều đòi hỏi khác của thời cuộc và đất nước, như lạm phát, giá cả, tình hình Biển Đông...

Lâu nay vẫn tồn tại một quan niệm rằng  kỳ họp mới chỉ là dịp để các tân đại biểu tập dượt những kỹ năng đầu tiên về bấm nút cũng như làm quen và bắt nhịp hoạt động nghị trường, tạo đà cho các kỳ sau.

Những người vốn thạo chuyện làm đại biểu của dân thì chia sẻ, bao giờ những người mới cũng dè dặt, thận trọng chờ đợi nghe ngóng tình hình chung rồi mới nhập cuộc.

Ngay trong Thường vụ Quốc hội, khi bàn công tác chuẩn bị cho kỳ họp mới cũng có một số ý kiến nói, nên bố trí thời gian thảo luận trên hội trường vừa đủ bởi với 2/3 gương mặt mới rồi sẽ chẳng có mấy ai phát biểu. Có muốn sôi nổi, tích cực thì chí ít cũng phải đợi tới vài kỳ họp sau.

Dĩ nhiên Quốc hội hoạt động theo nhiệm kỳ. Nhưng các vấn đề lớn của quốc gia thì không xảy ra theo nhiệm kỳ.

Quốc hội đã từng có tiền lệ về giới thiệu số dư, về việc không phê chuẩn một số phương án nhân sự do Chính phủ trình. Và mới đây thôi, ngay nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 cũng đã có nhiều dự án luật, nhiều chương trình lớn quốc gia không được thông qua.

"Luồng gió dân chủ" khi bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng từ Đại hội XI đang tỏa sáng trong Đảng và hy vọng sẽ thổi lan vào nghị trường, khích lệ tinh thần chủ động của từng đại  biểu. Những đề xuất đổi mới như bầu có số dư, cung cấp đầy đủ thông tin ứng viên, ứng viên phải có chương trình hành động cụ thể... nên được làm ngay từ bây giờ.

Quốc hội khóa 12 để lại nhiều dấu ấn về dân chủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Dù theo nhiệm kỳ, nhưng hoạt động Quốc hội phải liên tục, kế thừa, không được phép đứt đoạn và cắt khúc. Kỹ năng và kinh nghiệm của từng người sẽ hoàn thiện dần qua nhiều kỳ họp, như nhiều đại biểu từng thốt lên “Quốc hội là một trường đại học lớn”. Dần dà, với trí tuệ, bản lĩnh và sự thuần thục, sẽ có những đại biểu thực sự để lại dấu ấn trong lòng dân, được “vinh danh” bằng sự kính trọng và mến mộ của công chúng.

Vạn sự khởi đầu… là ở kỳ họp này.

Người dân trông đợi những bước tiến dân chủ và không khí thẳng thắn, cởi mở tại các phiên họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 vừa qua sẽ tiếp tục được khóa mới phát huy ngay từ kỳ họp đầu.

Cử tri sẽ nhìn vào kỳ họp này như một phép thử với Quốc hội khóa 13 trong việc kế thừa và đi xa hơn những gì các khóa trước đã làm trong tiến trình Đổi mới của Quốc hội và trong tiến trình Đổi mới chung của đất nước.

Một khi đã vượt qua các cửa ải hiệp thương để đĩnh đạc ngồi ghế nghị sĩ, mong các đại biểu hãy toàn tâm toàn trí phục vụ đất nước - với tất cả nhận thức sâu sắc về tình hình và nhiệm vụ mới đang đặt ra.

Như nhà nghiên cứu Nguyễn Trung từng nói, “Quốc hội có nhiệm kỳ nhưng đất nước không có nhiệm kỳ”.

Lê Nhung

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội
Cần đổi mới công tác nhân sự ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới - chuyên gia Bùi Đức Lại.
 
Thư gửi ứng viên Chủ tịch nước và Thủ tướng
Năm 1946, Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị... Thiết nghĩ ứng viên Chủ tịch nước lần này cũng nên noi gương Người có một lời tuyên bố về bản thân mình như thế.
 
Hiến pháp và Điều lệ Đảng, mấy điều suy nghĩ
Điều 4 Hiến pháp khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Điều lệ Đảng viết: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền". Lãnh đạo và cầm quyền không phải là những khái niệm tương đương.