Đúng 5h00 sáng, chiếc loa trong phòng oang oang tiếng của thủy thủ đoàn: "Báo thức toàn tầu - Toàn tầu báo thức". Sau đó là phần âm nhạc vô cùng phong phú và đa dạng, từ nhạc dance cho đến nhạc đỏ, không biết do đồng chí nào làm DJ.

Kì 1: Chuyện Biển Đông qua mắt GS Cù Trọng Xoay

Từ Cam Ranh, anh em chúng tôi bay vào TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị lên đường. Tôi được giao nhiệm vụ triệu tập 55 người bao gồm người FPT và những người bạn. Nhưng chủ yếu là những người bạn, vì người FPT không phải ai cũng bố trí nghỉ được dài ngày.

Đến tận ngày 19/4, nhân sự vẫn thay đổi xoành xoạch, cứ một người báo bận không đi được là lại phải triệu tập thêm một người khác thay thế. May mắn làm sao, đến ngày 20/4, trước ngày lên đường một hôm, đoàn đã chốt được danh sách 55 người. Tôi tranh thủ làm thương hiệu cho FPT (xin thể tất cho bản Giáo sư vì sự "khôn lỏi" này), nên đặt luôn tên đoàn là F55.

Tuy nhiên, khôn không lại với đời, bởi đến phút cuối, em Minh Hải của VFC báo xin rút. Không kịp trở tay, chỉ còn 54 người, tôi đành sửa lại tên thành đoàn K54 nghe cho có vẻ súng ống.

"Lão Đại uý" (đã đề cập ở phần trước) nheo nheo mắt nhìn tôi: "Khéo đi đảo về thành AK47 thì bỏ mẹ."

Khu nhà khách Hải quân ở Tp.HCM quay mặt ra một bến cảng với kiến trúc kiểu cổ, tường dầy khộp và vững chắc là nơi đoàn K54 tập trung. Tôi hồi hộp chào đón từng thành viên một, chỉ lo lại có người nữa rút thì thành số 53, mà các cụ vẫn nói "49 chưa qua, 53 đã tới". Đi biển nên tôi cũng hơi mê tín một chút cho lành.

Ra khơi

Sáng 21/4 dậy lên đường, anh em chúng tôi phải chia thành nhiều ca dậy khác nhau để sử dụng phòng vệ sinh cho hợp lý. Tuy nhiên do yêu cầu thời gian, chúng tôi đành phải để 2 anh em cùng sử dụng phòng cùng một lúc. Một ông ngồi bồn cầu nói chuyện, một ông đánh răng đứng nghe và gật đầu, lắc đầu. Xong thì lại đổi chỗ cho nhau. Cuối cùng thì cũng xuống sân tập trung đúng giờ.

Sự nhiệt tình của các anh lính trẻ cũng làm khó tôi một chút. Đại khái với nhiệm vụ chuyển đồ cho chúng tôi, các anh này lên phòng khuân sạch đồ đạc và chuyển lên ô tô, cả đoàn xe mấy chiếc nên không ai biết đồ của mình ở đâu. Đành hi vọng ra bến tầu sẽ tìm lại, ai dè ra bến thì họ đã lại khuân béng lên tầu rồi.

 
 Các thành viên K54 mang trên mình lá cờ Tổ Quốc ra khơi. Ảnh: Trần Hùng

Chúng tôi vội vàng đi tìm trên tầu trên xe và hỏi thăm xem có ai bị lạc đồ không. Anh Trung béo của Rossmap cứ đứng giữa cảng tay xách cái túi thuốc lá mới mua, miệng cười tủm tỉm. Tưởng ông anh có gì vui, ra hỏi mới biết là lạc mất 2 cái va li, chẳng biết làm sao đành đứng cười. Mấy anh em lại tỏa ra đi tìm, một hồi chẳng thấy, ai dè đồ của ông anh được chuyển ở chuyến xe sau cùng.

Tôi gào lên: "Mời cả đoàn K54 lên bến cảng điểm danh". Đọc tên từng người một, tiếng "Có" hào hứng vang lên đâu đó. Vậy là đủ 54 thành viên. Tôi thở phào leo lên boong.

Đoàn đưa tiễn mặc quân phục đứng nghiêm trang. "Lão Đại uý" lại gây shock khi xuất hiện với bộ lễ phục của Hải quân trắng từ đầu đến chân, hệt như mấy anh cảnh vệ gác lăng Bác, hớn hở chạy đi chạy lại.

Đúng 8h10, chiếc tầu HQ936 kéo 3 hồi còi dài chào bến cảng. Lập tức các tầu xung quanh cũng kéo 3 hồi còi dài chào lại. Không gian đặc quánh âm thanh của những hồi còi tầu gối vào nhau, y như một đàn Khủng long chào nhau. Đoàn chúng tôi miệng cười tươi, tay vẫy vẫy, nhưng mặt nhăn hết cả lại vì ù tai.

Mang tiếng là đoàn FPT, nhưng chúng tôi cũng chưa hẳn là biết hết nhau. Vả lại, lên tầu chúng tôi lại còn hợp với các đoàn khác thành đoàn hơn 100 người nên thời gian lúc đầu trên tầu chủ yếu là chào hỏi làm quen nhau. Cả đoàn phải có đến gần 30 cô gái. Chắc hẳn các anh lính đảo sẽ vui lắm đây, tôi nghĩ thầm.

Bên Hải quân tự sắp xếp phòng, căn cứ vào lứa tuổi, sở thích và tập quán sinh hoạt, tôi thấy chưa hợp lý nên sắp xếp lại. Còn gì sung sướng hơn việc "nhốt" 8 ông VIP chuyên ở khách sạn 6 sao vào chung 1 cái phòng khoảng chục mét vuông với 4 cái giường rộng 60cm. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm của tôi nên các bác tuyệt đối tuân thủ, không dám ý kiến ý cò gì. Tôi xếp anh em họa sỹ, nhạc sỹ vào một chỗ, anh em quay phim chụp ảnh vào một chỗ, các anh em lạ hoắc khác vào một chỗ...

Tầu HQ936 chở 1.000 tấn nước ngọt nên việc tắm rửa rất thuận tiện. Gần chục năm rồi, tôi mới có lại cảm giác của giường tầng và tắm tập thể.

Chúng tôi đi ra Vũng Tầu bằng hệ thống đường sông ngoằn ngèo, chiếc tầu 2.000 tấn lướt đi nhẹ nhàng êm ru. Cả đoàn cười tươi lắm: "Tưởng đi biển thế nào, chứ thế này thì êm hơn cả đi du thuyền trên Hồ Tây, say sóng thế quái nào được."

Thực ra là chưa mà thôi, ra biển thì mới biết mặt nhau ngay. Biết trước là lát nữa mọi người sẽ rất xấu xí, tôi yêu cầu cả đoàn thay đồng phục áo phông cờ đỏ sao vàng để lên boong chụp ảnh lưu niệm cho đẹp.

Hai bên bờ, những hàng dừa nước và xú vẹt xanh mướt, đoàn chúng tôi sau bữa trưa no nê đã chuyển sang phần đàn hát. Ban nhạc "Dao Phay" thể hiện tưng bừng khiến đoàn nghệ thuật Quân khu 4 phải giật mình: "Không hiểu đâu ra mấy cái thằng tự tin đến vậy?"

Ra đến cửa biển sóng to hơn hẳn, chiếc tầu bắt đầu lắc lư. Anh em chúng tôi cũng chẳng biết do say sóng, hay say rượu, nhưng mà đầu bắt đầu hơi choáng choáng. Cuộc vui vãn dần, người chui vào phòng nằm, người bắt đầu đi lấy võng để nằm cho đỡ lắc.

Càng trời chiều sóng càng to, chị em bắt đầu xếp hàng đi gọi "cô bạn tên Huệ". Anh em mặt cũng hơi xanh, cứ ngồi nhìn nhau và hạn chế nói chuyện. Sợ mở mồm thì lại phun hết cả ra lúc nào không hay. Tôi được cái tiền đình tốt nên chưa buồn nôn lắm, chỉ hơi choáng choáng.

Hưng "Húng lìu" thì hình như đã nôn lần một. Lão Tuấn "Côn đảo" nói giọng Nghệ An véo von bên cạnh: "Tau muộn sóng to tí nựa, rựa mới thích".

Nghe mà bực! Chả lẽ lại túm cổ lôi xuống đập cho một trận? Tôi chỉ ngại mang tiếng không có ý thức bảo tồn hiện vật lịch sử thôi.

Đêm đầu tiên trên tầu

Bữa tối đầu tiên của chúng tôi diễn ra chóng vánh, sự mệt mỏi làm cho phần ăn uống thiếu khí thế hẳn. Cả hội ăn qua loa, chủ yếu là ngồi nhìn bát nước mắm cứ chạy từ bên này bàn sang bên kia bàn. "Lão Đại uý", vốn là dân Hải quân, chả xi nhê gì, đi chúc rượu ầm ầm. Lại còn hớn hở nói: "Đoàn mình đi thế này là đẹp đó, sóng thế này là nhẹ rồi, chứ đoàn 54 dân tộc đi trước mấy hôm sóng to lắm, cả đoàn nằm bẹp dí hết."

Buổi tối, chúng tôi sẽ làm một chương trình giao lưu văn nghệ trên tầu nên mấy anh em cũng bảo nhau làm vài chén. Hi vọng "lấy say trị say".

Điện đóm trên tầu khá tốt nên hệ thống loa đài được các anh bên Quân khu 4 triển khai ngon lành. Mạn trái tầu luôn bị sóng đánh tạt cả lên nên khán giả ngồi dạt sang mạn phải. Ấy vậy mà thi thoảng vẫn có cơn sóng to làm mấy người ngồi gần mạn trái ướt hết. Cả đoàn lại được bữa cười thi nhau bôi bác mấy người bị sóng đánh chắc là do "ăn ở không ra gì".

Các chị trong đội Quân khu 4 với trang phục áo dài truyền thống đẹp lộng lẫy. Tuy nhiên, do say sóng, nên các chị ra nằm võng cạnh sân khấu. Lúc biểu diễn lại ra vịn lan can mà hát, hát xong lại vào nằm võng.

Về nhạc công thì có anh Hồng Kỳ, vốn là dân guitar, nhưng vì yêu cầu công việc buộc phải chơi organ. Anh làm việc rất chuyên nghiệp và dễ chịu, rất vui vẻ khi nhóm Dao Phay của chúng tôi ghép vào đánh cùng, chứ không hay gắt gỏng và chảnh như một số nghệ sỹ chúng tôi từng gặp trên bờ.

Hết phần tiết mục theo kịch bản, chúng tôi chuyển sang phần "ngẫu hứng Lý qua cầu". "Lão Đại uý" hiện nguyên hình là một tay "cao bồi già" thứ dữ với chiếc áo lòe loẹt và cái quần trắng mặc từ sáng. Anh lao lên sân khấu nhảy múa với cặp chân dẻo quẹo như Mai Cồ, và mang lại một không khí sôi động của các vũ trường Hà Nội - chỉ có điều là của những năm 80 của thế kỷ trước.

Hết phần giao lưu, cả đoàn lảo đảo đi về phòng làm vệ sinh cá nhân để chuẩn bị đi ngủ. Các nhà vệ sinh trên tầu được bố trí hai bên mạn tầu, và quay mặt nhìn vào nhau (tất nhiên là có cửa đàng hoàng). Do tầu đi lắc ngang nên khi ngồi trong nhà vệ sinh chẳng khác nào chúng tôi đang chơi bập bênh ngoài công viên với người đang ngồi trong nhà vệ sinh đối diện. Thú vị đáo để!

Phần tắm thì chủ yếu là tắm tiên như sinh viên ngày xưa. Nam riêng, nữ riêng, thi thoảng có cô lại mở nhầm cửa phòng tắm nam để "ré" lên một cái "làm duyên". Tầu lắc lư nên nước dưới sàn nhà tắm ào từ bên này qua bên kia. Thi thoảng có quả lắc quá mạnh là y như rằng có anh lao cả vào vách chắn.

Nhưng khó nhất là phần mặc quần. Không thể mặc bằng một tay, nhưng khi cho hai tay xuống và đứng bằng một chân thì kiểu gì cũng lao vào vách. Phải loay hoay một hồi mới xong. Có anh mặc xong mới biết mình mặc quần trái, lại hì hụi cởi ra mặc lại, khổ ơi là khổ.

Phòng ngủ 1 tôi "nhồi" tới 8 vị VIP vào để mong đợi mấy ông già xích mích với nhau cho vui. Ai dè các anh lại ở với nhau khá hòa thuận. Anh Trung Hà (Thiên Việt) không quen ngủ chung đã tự giác lên phòng "Lão Đại úy" chơi bài cả đêm. Anh Trung béo ngủ ngáy to nên tự giác nằm sàn. Anh Nam già và anh Hưng đỉnh nằm chung một giường. Còn mấy anh khác cũng tự nguyện ghép đôi mà nằm.

Phòng bên cạnh là phòng chúng tôi. Anh em chúng tôi ngao ngán thở dài: "Hay là sang rủ bọn con gái ngủ xen canh với mình nhể, chứ hai thằng đàn ông nằm sát nhau thế này xem chừng có vấn đề."

Chúng tôi đành nằm ngược đầu đuôi với nhau. Cũng may không ông nào thối chân, hoặc do quá mệt, nên cả phòng đã bắt đầu ngáy pho pho.

Tôi khó ngủ, quay sang thấy Tuấn Côn đảo cũng đang ngồi mắt mở thao láo làm tôi giật cả mình. Thế là tôi rủ ông anh họa sỹ lên trên boong uống trà cho vui. Loay hoay một hồi cũng xoay được nước sôi và ấm trà, hai anh em ngồi ngắm sao tán chuyện vì cũng lâu lâu chúng tôi mới gặp nhau một lần. Ở sàn dưới, một số anh em mắc võng nằm ngủ cũng đang ngáy o o.

Bầu trời sao trên biển đẹp lạ kỳ vì có vẻ như bầu trời ở biển về đêm trong hơn ở đất liền. Mặt trăng cũng đã ló lên từ đường chân trời, ban đầu vàng đục nhưng càng lên cao thì càng sáng tỏ. Chúng tôi nằm dài trên sàn boong nhìn ngắm trời sao. Tuấn Côn Đảo nói vu vơ: "Mai mà gặp cá heo thì vui."

Một ngôi sao băng vụt qua trên trời, Tuấn Côn Đảo vội lầm rầm khấn. Đang ước gặp cá heo cũng nên.

Gần sáng, anh em chúng tôi về phòng ngủ. Ngại đánh thức mọi người, tôi nằm đại xuống sàn, đầu quay vào chân của lão Hưng Tám, chân thì chọc vào mũi thằng Phương trọc. Đèn sáng khó ngủ quá, tôi dậy tắt đèn. Một bóng đêm tối đến hoàn hảo khiến tôi cũng hơi hoảng. Nghĩ giờ mà nước ập vào, chả biết chạy ở đâu.

Loay hoay một hồi mới phát hiện ra một vạch sáng bé xíu của kẽ cửa. Vậy là ổn rồi, nước ào vào từ cửa sổ thì tôi sẽ bật dậy mở cửa chính phi ra ngay. Còn nước ập vào từ cửa chính thì chưa có phương án.

Tôi nằm im trên sàn, nghe tiếng động cơ chạy ì ì phía dưới. Con tầu lắc lư lắc lư khiến người tôi cứ như nâng lên hạ xuống. Nếu mà đang trong đất liền thì kiểu gì cũng nghĩ tới việc bị ma dựng giường. Một cơn sóng to ào vào mạn trái, con tầu nghiêng mạnh hơn 1 chút, tôi bị một chiếc túi lăn từ đống đồ bên cạnh xuống rơi trúng mặt. Lại lồm cồm bò dậy xếp lại.

Được một lúc, tôi đang thiu thiu ngủ, trong đầu vẫn đang tìm phương án tẩu thoát khi nước ập vào từ cửa chính thì thấy giường bên có bác nào đó bò dậy, chắc đi vệ sinh. Tôi biết ý co người lại nhưng vẫn ăn cả một cú đạp vào vai. Tôi hét lên làm "đối tượng" cũng hốt hoảng: "Chuyện gì vậy?"

Tiếng của lão Sơn "già", em trai lão Nam "già hơn". Chắc già rồi nên có cái "thú riêng" là đi tiểu đêm, tôi chiêm nghiệm.

Tôi ngồi dậy bật điện ăn vạ: "Anh đạp trúng mặt em rồi, huhu."

Một lúc sau, ông anh về. Chắc thương tôi nằm sàn, nên bảo tôi nằm gọn vào cho ông anh nằm với. Ra điều "đồng cam cộng khổ" với mình đây, tôi cười thầm.

Tôi lại tắt điện, lại bóng đêm hoàn hảo. Đến lượt lão Sơn già sợ, và rên rỉ đòi bật điện lại bằng được.

Bật thì bật, sợ gì bố con thằng nào! Tôi trùm chăn lên mặt cho dễ ngủ, vừa đề phòng kẻo ăn quả đạp vào mặt thì toi. Thế mà cũng ngủ béng lúc nào không hay.

Gặp cá heo

Đúng 5h sáng. Chiếc loa trong phòng oang oang tiếng của thủy thủ đoàn: "Báo thức toàn tầu - Toàn tầu báo thức".

Sau đó là phần âm nhạc vô cùng phong phú và đa dạng. Từ nhạc dance cho đến nhạc đỏ, không biết do đồng chí nào làm DJ.

Cả phòng thằng nào cũng muốn tắt loa để ngủ tiếp, nhưng chẳng thằng nào chịu dậy. Lão Sơn già ngóc đầu lên ngó xem mình dậy chưa, chắc để sai dậy tắt loa. "Cậu" không mắc lừa đâu, "cậu" cứ mần thinh như đang trong giấc nồng.

Ông anh già đành lồm cồm bò dậy tắt loa. Ai dè thủy thù đoàn cũng tính trước tình huống này nên đã chỉnh lại hệ thống volume của loa. Đại khái là cứ vặn trái, vặn phải nhiệt tình, nhưng tiếng loa vẫn to như cũ. Thế có điên không chứ?

Cả đoàn đành lục đục dậy đánh răng rửa mặt, và ra ngắm bình minh trên biển. Tôi nằm sàn không muốn dậy cũng phải dậy, mà tôi đã dậy rồi thì đương nhiên không thể để thằng nào ngủ được. Tôi đi khua hết dậy. Tuấn Côn Đảo cũng đã ngồi dậy nẫy giờ, mắt mở thao láo. Tôi lại giật cả mình.

Tôi bước ra boong tầu vươn vai. Mấy bác già già khó ngủ đã ngồi họp "tổ hưu" rôm rả bên ngoài. Vài nhiếp ảnh gia vác máy ra chụp chụp, chả biết chụp được cái gì. Bốn bề là biển cả mênh mông.

Có vẻ như sau một đêm lắc lư, tiền đình của chị em đã thích nghi với điều kiện mới. Chị em nào cũng tươi tắn trở lại. Một số còn tranh thủ bình minh lên để tạo dáng chụp ảnh. Mấy chú thủy thủ thấy vui mắt cũng mò ra lan can tầng 3 ngó xuống cổ vũ.

Anh Nam già mò lên phần mũi tầu để tập Tẩy Tủy Công. Do điều kiện tầu lắc lư nên hôm nay tấn pháp của anh cũng có phần thay đổi, thi thoảng đang vận công lại loạng choạng vịn vào thành tầu. Quanh anh, ngoài mấy cái xuồng nhỏ, còn có thêm 2 ông anh nữa đứng chắp tay sau mông ngắm anh Nam múa.

Đây là môn khí công tương đối bí hiểm nên mặt anh Nam luôn tỏ ra hết sức bình thản và bí ẩn. Chỉ lúc nào suýt ngã thì mới thấy vẻ hốt hoảng thoáng hiện trên khuôn mặt anh.

Nghe anh em nói mới biết đêm qua anh Nam mất ngủ. Thảo nào mắt thâm thế. Hỏi ra mới biết đêm qua anh Hưng đỉnh gác chân vào cổ anh Nam, khiến anh nghẹt thở. Chốc chốc lại phải dậy gỡ chân người khác ra thì ngon giấc thế quái nào được.

Bữa sáng trên tầu được coi là bữa chính. Anh chị em cả đêm qua chắc đói nên ăn uống nhiệt tình lắm. Tôi và Tuấn Côn Đảo mò lên boong tầng 2 ngắm biển. Biển trong xanh đến mê hồn. Bất ngờ thấy cả tầu náo động và chạy dồn hết cả sang mạn phải: Một đàn cá heo đang bơi theo tầu, và thi nhau vọt lên mặt nước, trong tiếng vỗ tay cổ vũ nhiệt tình của cả đoàn chúng tôi.

Không hổ danh là một trong những loài có não phát triển bậc nhất trong giới động vật, đàn cá heo mầu xám nhạt cũng tỏ vẻ rất thích có người hâm mộ. Chúng đuổi theo tầu một đoạn dài, và tiếp tục các màn nhào lộn như trong phim của kênh Discovery.

Các nhiếp ảnh gia, sau một hồi phục vụ các chị em người mẫu trên tầu và đã cất máy, giờ lại cuống cuồng chạy vào phòng lấy máy, thay ống tele, rồi tất tưởi chạy ra. Thế nhưng, chạy ra thì đàn cá heo đã bơi đi chỗ khác mất rồi. Mặt ngẩn ngơ như mất sổ gạo.

Tuấn Côn Đảo đứng cười phớ lớ: "Tối qua tau mới nọi ước chi được gặp cá heo, sạng nay gặp luốn."

Các thành viên đoàn lúc nẫy ngồi trong phòng thì vội vàng chạy nhào cả ra để gặp cá heo, nhưng không kịp, lại cứ tiếc ngẩn ngơ, đi hỏi hết người này đến người khác xem cá heo nó như thế nào. Thế là mấy anh em lại tha hồ nói phét, nhất là ông Ngọc VQ, mô tả một lúc thì "con cá heo đã phình to bằng con cái voi".

Những người đi biển có kinh nghiệm thì trầm ngâm: "Cá heo nổi lên thế này là chắc chắn thời tiết sẽ có thay đổi. Nhưng theo hướng tốt, hay hướng xấu, thì chưa rõ."

Tôi ngó lơ đãng: Trời biển đang đẹp lung linh thế này, liệu có thể đẹp hơn không? Chắc cũng khó, tôi nghĩ. Vậy nên nỗi lo biển động có vẻ thực tế hơn.

Đinh Tiến Dũng

Kỳ 3: Nhà giàn và những giọt nước mắt giữa biển khơi