Kể từ sau Thế chiến II, Anh có
14 thủ tướng và Mỹ thì đón chào 12 tổng thống vào Nhà Trắng. Cùng giai đoạn đó,
Nhật Bản có không ít hơn 32 thủ tướng, và sẽ đón chào một vị lãnh đạo mới đầu
tuần tới.
Ông Naoto Kan có vẻ có nhiều "đặc ân" khi nắm giữ quyền lực lâu hơn cả bốn người tiền nhiệm, cho dù chiếc ghế nóng kéo dài 444 ngày mà thủ tướng Nhật nắm giữ còn quá xa một nhiệm kỳ ấn tượng.
Ảnh: Getty Images
Được bầu là người đứng đầu Đảng Dân chủ Nhật Bản ngày 8/6/2010, ông Kan đã dẫn dắt đất nước đi qua những tháng ngày đen tối nhất trong lịch sử gần đây. Thảm hoạ động đất sóng thần ngày 11/3 đã phá huỷ cả một khu vực bờ biển dài phía đông bắc Nhật Bản, gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Sáu tháng sau thảm hoạ, ông Kan dường như đã bị đánh bại trong cuộc vật lộn tái thiết đất nước, tái thiết lòng tin dân chúng và đoàn kết trong đảng của chính ông.
Ông đảm nhận cương vị thủ tướng từ Yukio Hatoyama, vị chính khách đầu tiên không phải là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) sau hàng chục năm. Ông Hatoyama chiến thắng trong bầu cử khi cử tri Nhật đã quá mệt mỏi với sự bất tài của chính phủ trong việc tiến hành những cải tổ có ý nghĩa với tình hình kinh tế, chính trị đất nước.
Nhưng bản thân ông Hatoyama cuối cùng cũng thất bại vì không có khả năng đạt được một quyết định về việc di dời Căn cứ Không quân Futenma của Mỹ từ Okinawa. Và ông đã ra đi chỉ sau 265 ngày.
Taro Aso đã đi vào lịch sử khi là người cuối cùng để mất sự kiểm soát của LDP trong nền chính trị Nhật, một vai trò gần như được đảm bảo liên tục từ giữa những năm 1950. Nổi tiếng với những bình luận "sốc", uy tín của ông Aso bị giảm sút nhanh chóng chỉ sau 2 tháng cầm quyền. Giáo sư Koichi Nakano, đại học Sophia ở Tokyo, nói: “Ông ấy giống như một vị thủ tướng chỉ còn mấy tháng tại nhiệm. Ông là một phi công của chiếc máy bay không còn kiểm soát được. Hết trục trặc nọ đến trục trặc kia làm cho hành khách trên máy bay vô cùng lo lắng. LDP có thể sắp mất quyền lực trừ phi có phép mầu”.
Yasuo Fukuda có vẻ làm tốt hơn, với thời gian giữ ghế nóng là 364 ngày, nhưng hầu như không được cử tri Nhật ghi nhớ. Ông Fukuda từ chức khi ông hiểu rằng, ông không thể phá vỡ sự bế tắc trong chính trị Nhật Bản.
Shinzo Abe thậm chí ghi điểm tốt hơn dù chỉ chênh lệch vẻn vẹn một ngày. Ông từ chức tháng 9/2007 với thời gian ở nhiệm sở chính xác một năm. Ông là vị thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản từ sau Thế chiến 2, nhân vật từng được người dân xứ sở hoa anh đào kỳ vọng. Phát biểu trong một cuộc họp báo trên truyền hình, ông cho biết: “Trong tình hình hiện tại, rất khó có thể thúc đẩy các chính sách hiệu quả mà lại giành được sự ủng hộ và lòng tin của công chúng. Tôi đã quyết định rằng chúng ta cần phải thay đổi tình hình này”.
Junichiro Koizumi là thủ tướng lãnh đạo nước Nhật lâu nhất kể từ khi Eisaku Sato từ chức vào năm 1972. Ông chiến thắng trong các cuộc bầu cử và nắm giữ chức vị trong suốt 1.979 ngày. Ông là Thủ tướng của Nhật Bản từ 2001 - 2006. "Được coi là một lãnh đạo “không theo quy tắc, vô tổ chức” của Đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông nổi tiếng là một nhà cải cách kinh tế, tập trung vào nợ chính phủ của Nhật Bản và tư nhân hoá dịch vụ bưu chính. Trong năm 2005, Koizumi lãnh đạo LDP trở thành đảng giành chiến thắng lớn nhất ở quốc hội trong lịch sử hiện đại Nhật Bản”, theo Wiki.
Nhiều người có thể đồng ý hay không tán thành những gì cựu Thủ tướng Nhật Bản - người đàn ông trong màu tóc bạc - nói hoặc làm, nhưng rõ ràng là không thể phủ nhận ông đã thành công và để lại dấu ấn với nước Nhật, với nền chính trị của người Nhật.
Và vị thủ tướng sắp tới, người sẽ được xướng tên hôm thứ Hai, có thể gánh vác nổi trọng trách tái thiết kinh tế đất nước, giải quyết gánh nặng nợ nần, già hoá dân số, bất ổn chính trị? Có thể làm tốt hơn để vượt qua kỷ lục 444 ngày cầm quyền của ông Kan?
Thái An (theo telegraph)