Nông dân còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Phấn khởi với các thành tích xuất khẩu nông sản và vụ mùa bội thu năm nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nông nghiệp luôn là yếu tố đảm bảo phát triển bền vững, đầu tư ít nhưng hiệu quả thấy rất rõ. So với hai nghị quyết khác về xây dựng đội ngũ trí thức và đội ngũ công nhân, thì các mục tiêu trong nghị quyết xây dựng đội ngũ nông dân đạt được nhiều kết quả khả quan hơn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nếu nông dân chỉ làm
nông nghiệp thuần túy sẽ không thể giàu. Ảnh: Minh Thăng |
Ba năm khủng hoảng kinh tế vừa qua, riêng nông nghiệp vẫn liên tục tăng trưởng. Bất chấp thời tiết khó khăn khắc nghiệt thế, nhưng năm 2011 sản lượng lương thực dự báo vẫn có thể đạt được 41 triệu tấn. Tính riêng từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu đuợc 5 triệu tấn gạo, dự kiến sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn cả nay, chưa kể các nông sản khác. Tổng số tiền thu được hơn 20 tỷ USD.
"Nhiều khi tôi vẫn nói đùa là ở trên này nghe rất nhiều chuyện đau đầu nhưng về với nông dân là thấy khác. Không phải được tất cả mà cơ bản là được", Tổng bí thư khẳng định.
Bên cạnh những mảng màu sáng, Tổng bí thư cũng lưu ý một số vấn đề còn tồn tại. Chẳng hạn, tiếp tục nâng cao đời sống người dân nếu đã xác định nông dân là chủ thể. Phải đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp hiện đại hóa. Nếu nông dân chỉ làm nông nghiệp thuần túy sẽ không thể giàu.
"Lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn vẫn đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Địa bàn nông thôn hết sức rộng lớn và nông dân đang còn phải đứng trước nhiều vấn đề cần giải quyết", ông Nguyễn Phú Trọng nói.
Không nói suông
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của Hội Nông dân, Tổng bí thư khẳng định, có nhiều việc sẽ còn phải nghiên cứu tiếp thu, không thể giải quyết nhanh được.
Chẳng hạn, vấn đề sửa Luật đất đai sẽ cần phải được nghiên cứu thận trọng. Nhiều vấn đề đang còn tranh luận, chẳng hạn, khái niệm về sở hữu toàn dân... Cho dù Quốc hội đã nhiều lần đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng thảo luận mãi vẫn chưa chốt lại được. Các vấn đề về đất đai sẽ phải được bàn bạc thống nhất trong Hội nghị Trung ương rồi mới tính đến việc sửa luật.
Về trọng tâm công việc sắp tới, Tổng bí thư lưu ý khi triển khai nghị quyết phải làm rõ hơn cách thức để phát huy vai trò chủ thể của người nông dân. Muốn như vậy, nông dân phải được đào tạo, trang bị kiến thức mới, nâng cao tinh thần ý thức làm chủ.
Theo Tổng bí thư, xu thế sắp
tới là tỷ lệ người làm nông nghiệp sẽ giảm. Do đó, bài toán đặt ra là tuy ít
người làm nông nghiệp mà năng suất lúa gạo vẫn phải dồi dào, vừa đảm bảo an
ninh lương thực, vừa xuất khẩu. Nhiều vấn đề khác cũng cần được giải quyết
như công ăn việc làm cho nông dân, cơ chế đất đai...
Tổng bí thư khẳng định, tất cả những vấn đề này phải được cụ thể hóa thành
cơ chế chính sách chứ không thể nói suông.
“Lâu nay chúng ta bàn về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới rất nhiều nhưng hình như chưa bàn sâu về người nông dân, xây dựng giai cấp nông dân”, Tổng bí thư nói.
Trước đó, theo báo cáo của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
Nguyễn Quốc Cường, tỷ trọng sản xuất nông
nghiệp tiếp tục tăng, sản xuất lương thực có bước tiến lớn, từ một nước nhiều
năm thiếu lương tực trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về một số
mặt hàng nông sản như: gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản…
Bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã được khang trang hơn.
Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư hầu hết các vùng nông thôn đã có bước
cải thiện, dân chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được
giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng
cao. Người dân có điều kiện, cơ hội để cải thiện đời sống và làm giàu cho gia
đình, cho quê hương, cho đất nước.
Nhưng, ở nông thôn hiện nay đa số vẫn là những hộ sản xuất quy mô
nhỏ. Có tới 36% số hộ có dưới 0,2 ha đất canh tác. Thu nhập bình quân cư dân
nông thôn chỉ bằng 76,6% bình quân chung cả nước. Hầu hết số hộ nghèo và cận
nghèo là nông dân. Đây là những khó khăn cần tháo gỡ.
Lê Nhung