Nếu có lời nhắc nhở mạnh mẽ nào về tính cần thiết phải hiện đại hóa khả năng quốc phòng già cỗi của Ấn Độ thì đó chính là những tai nạn xảy ra với các máy bay chiến đấu Nga mà họ sở hữu.

MiG-21 nổi danh trong Không lực Ấn Độ (IAF) với tên gọi “quan tài bay”. Trong khoảng 800 chiếc MiG-21 đưa vào phục vụ không quân Ấn Độ từ năm 1963, có hơn 350 chiếc đã mất trong những vụ tai nạn, với khoảng 170 phi công thiệt mạng.

Chỉ huy IAF, N.A.K. Browne, đang đếm từng ngày tới khi Ấn Độ đổi mới lực lượng chiến đấu, gồm các máy bay của Nga, Anh và Pháp. Cuối tháng trước, ông nói, các phi công Ấn Độ “đã thở phào nhẹ nhõm” khi nước này cuối cùng đã thông qua hợp đồng cung cấp 126 máy bay chiến đấu trị giá 11 tỉ USD.
Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos. Ảnh: Rusnews

Máy bay chiến đấu tầm trung đa nhiệm (MMRCA) là một trong những hợp đồng vũ khí lớn nhất trong thế giới. Ấn Độ, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung Nga trong suốt 50 năm qua, là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất với ngân sách quân sự là 31 tỉ USD/năm.

Có sự cạnh tranh gắt gao giữa các tập đoàn hàng không Mỹ, Nga và châu Âu. Tất cả đều mở rộng cái gọi là đối tác công nghiệp nhằm giành được lời hứa hẹn thay đổi quan điểm chiến lược của nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Mua sắm máy bay

Mặc dù Ấn Độ nổi tiếng trong chuyện dao động thời hạn, thì giờ đây rất nhiều người coi rằng, thoả thuận đang ở vòng đua cuối cùng về giá cả. Ông Browne nói, ông mong cuộc cạnh tranh, đã thu hẹp ở một chọn lựa giữa Eurofighter và Rafale của Pháp, sẽ kết thúc vào cuối năm.

Người thua cuộc Mỹ là Boeing và Lockheed Martin cũng tìm thấy sự an ủi trong các thoả thuận chính phủ giữa New Delhi và Washington.

New Delhi đã mua các máy bay vận tải C-17 để cải thiện khả năng không vận của không quân cũng như các máy bay tuần tra hàng hải Poseidon. Tại Washington, các thoả thuận quốc phòng trị giá nhiều tỉ USD để củng cố lực lượng vũ trang 1,5 triệu người của Ấn Độ được xem là yếu tố chủ chốt trong việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước.

Chỉ huy không quân Browne còn có một lý do khác để “thở phào”. Trong giới lãnh đạo quân sự và an ninh mang quan điểm cứng rắn của Ấn Độ, Trung Quốc ngày càng trở thành một mối nguy tiềm tàng. Họ đặc biệt quan ngại về cái gọi là “nguy cơ thông đồng” tạo ra bởi người láng giềng có vũ khí hạt nhân, đối thủ truyền thống Pakistan và một sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Pakistan, đặc biệt là máy bay chiến đấu JF-17 đã làm gia tăng những nghi ngờ này. Ngoài ra, còn là sự quyết đoán của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ ở Himalaya và trên biển. New Delhi được cảnh báo về một thách thức đặt ra với lực lượng hải quân trong một vụ “chạm trán” giữa tàu hải quân Ấn với tàu Trung Quốc hồi tháng 7 - mà nhiều quan chức Ấn Độ mô tả là “vụ việc” đầu tiên kiểu này.

Trung Quốc cũng khiến quốc phòng Ấn Độ lo ngại bằng những đột phá công nghệ như có tàu sân bay đầu tiên, phát triển tên lửa chống hạm…. tất cả đều có thể thách thức ưu thế của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và các tuyến đường hàng hải quan trọng giữa Trung Đông và châu Á.

Không muốn chậm trễ


Ấn Độ không muốn bị lạc hậu. Mặc dù 70% khí tài quân sự của họ là nhập khẩu, nhưng Ấn Độ cũng đã trình làng tàu khu trục tàng hình đầu tiên của mình và một tàu ngầm hạt nhân mô phỏng trên thiết kế của Nga. Nước này cũng đã thử các tên lửa tầm xa hơn, bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos, và tăng cường chương trình không gian.

Gần hơn với mặt đất, các nhà hoạch định quân sự thận trọng dõi theo những gì mà Mỹ, Anh và Pháp đã làm để giúp lực lượng bộ binh trở nên tốt hơn.

Một số công ty tư nhân Ấn Độ, gồm tập đoàn Tata, Mahindra & Mahindra và Larsen & Toubro, đang ngày càng quan tâm hơn tới việc phát triển chuyên môn quốc phòng của họ trong mối quan hệ đối tác với các công ty quốc phòng quốc tế.

Càng ngày, các nhà đầu tư quốc tế cũng càng tìm thấy nhiều cơ hội ở các công ty quốc phòng nhỏ nhưng công nghệ tiên tiến của Ấn Độ. Tuy vậy, một số quan chức cấp cao giờ đây đã công khai những lo lắng của họ về khoảng cách trong các khả năng quốc phòng hiển hiện giữa Trung Quốc - nước chi tiêu ngày một lớn cho quân sự và Ấn Độ - với nạn tham nhũng lan tràn.

Họ phàn nàn rằng, chi tiêu quân sự, chỉ hơn 1% GDP, đang bị cản trở bởi nỗi sợ hãi quân sự hoá của chính phủ dân sự và rằng, cần phải chi tiêu nhiều cho phát triển hơn chỉ là tập trung vào vũ khí. Họ định hình ra những lỗ hổng quan trọng trong chiến tranh ảo và những thông tin đột phá trong các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc như là sự đối lập với các tập đoàn quốc phòng ì ạch của Ấn Độ.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang tập trung quân sự thiên về khu vực biên giới phía đông - nơi từng xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc năm 1962. Một chương trình cải tổ cơ sở hạ tầng và sân bay đang diễn ra và ngày một vươn xa hơn vào khu vực Himalaya. Quân đội cũng đầu tư cả tỉ USD vào lực lượng chiến đấu vùng núi, điều này có thể dẫn tới việc triển khai thêm nhiều quân với khả năng chiến đấu ở độ cao lớn hơn.

Jasjit Singh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu không lực tại New Delhi cho hay, thách thức của Ấn Độ là xây dựng một cơ sở công nghiệp quốc phòng nhanh chóng sau những gì ông nói là 250 năm tụt hậu dưới sự cai trị của thực dân Anh. Ông ước tính, quá trình này mới chỉ là 10 năm tuổi. “Ấn Độ đang trong quá trình của một cuộc cách mạng công nghệ công nghiệp và đi đầu là công nghiệp hàng không vũ trụ. Nhưng chúng ta mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu”, ông nói.

Thái An (theo Financial Times)

TQ cảnh báo Ấn Độ không khai thác dầu ở Biển Đông
Trung Quốc cảnh báo các công ty Ấn Độ tham gia bất kỳ hợp đồng nào với các hãng Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông.
 
Việt Nam ủng hộ Ấn Độ hiện diện ở châu Á - TBD
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Ngoại trưởng Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam
Thăm chính thức Việt Nam hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ sẽ gặp người đồng nhiệm Việt Nam để đánh giá toàn diện quan hệ song phương, trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.