Báo này cho biết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không đề cập tới tên Ấn Độ cụ thể, nhưng thúc giục "các nước có liên quan" kiềm chế những hành động đơn phương có thể "làm phức tạp và mở rộng" tranh chấp.
Những phản đối gay gắt của Trung Quốc xuất hiện khi chưa đầy một tuần nữa, Phó chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Montek Singh Ahluwalia sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ tới thăm Bắc Kinh dự Đối thoại Kinh tế chiến lược Trung - Ấn lần thứ nhất.
Tranh cãi giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng xung quanh kế hoạch của OVL về việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Vài ngày trước, tờ Times of India đưa tin, Trung Quốc cảnh báo các công ty Ấn Độ tham gia bất kỳ hợp đồng nào với các hãng Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông.
"Chúng tôi hy vọng nước ngoài sẽ không liên can tới tranh chấp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói. "Với những quốc gia ngoài khu vực, chúng tôi hy vọng họ sẽ tôn trọng và ủng hộ các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua các kênh song phương", bà Khương Du trả lời câu hỏi liên quan tới kế hoạch của OVL trong việc thăm dò hai lô dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Còn trong cuộc họp báo hôm qua (19/9), phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc đã nói: "Bất kỳ quốc gia nào tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trong phạm vi quyền hạn này mà không có sự chấp thuận của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia của Trung Quốc và do đó là trái phép, không có hiệu lực".
Trong khi đó, quan điểm của Ấn Độ là, việc thăm dò của OVL tại hai lô dầu khí ngoài khơi thuộc chủ quyền của Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục diễn ra. Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna trong chuyến thăm Việt Nam thứ sáu tuần trước đã khẳng định, lĩnh vực năng lượng bao gồm thăm dò dầu khí, sẽ là lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới. Đây là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất bằng cách công bố bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết toàn bộ vùng biển.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Khi căng thẳng leo thang trong những tháng gần đây tại Biển Đông, Trung Quốc đã cảnh báo các láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa (thuộc Biển Đông) đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
Thái An